“Ecuador đã xuất khẩu khoảng 120 triệu pound ( hơn 54 nghìn tấn) tôm trong tháng 6, giảm khoảng 20% so với số liệu của tháng 5.
Bên cạnh đó, sản lượng tôm xuất khẩu trong tháng 7 thậm chí còn ít hơn, khoảng 95 triệu pound (hơn 43 nghìn tấn) trong đó chỉ có 20 triệu pound (hơn 9 nghìn tấn) được vận chuyển trực tiếp đến Trung Quốc”, ông Camposano cho hay.
“Điều đó có nghĩa là xuất khẩu tôm từ Ecuador sang các nước châu Á trong tháng 7 chỉ từ 20-30%, trong khi Trung Quốc thường là nước nhập khẩu lớn nhất của sản phẩm này, chiếm từ 62-65% sản lượng tôm xuất khẩu của Ecuador”.
Camposano tin rằng xu hướng này sẽ tiếp tục trong vài tháng tới và trong quí I/2021 khi Ecuador dự kiến xuất khẩu không quá 90 triệu pound (hơn 40 nghìn tấn) tôm mỗi tháng.
“Ngành thủy sản cần giảm khối lượng sản xuất để đảm bảo giá cả tốt hơn và cải thiện tình hình”, ông Camposano nhận định.
UndercurrentNews trước đó đã đưa tin rằng nhiều trang trại nuôi tôm ở Ecuador đã buộc phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động trong những tháng qua do chi phí sản xuất hiện đang lớn hơn lợi nhuận.
“Chúng tôi hi vọng việc điều chỉnh sản xuất này sẽ đảm bảo cải thiện giá cả và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cả nhà sản xuất và xuất khẩu. Giá cả đã chạm đáy và nếu tình hình này không sớm cải thiện thì ngành thủy sản có nguy cơ sụp đổ”, ông Camposano cho biết.
CNA đã dự báo mức sản xuất và xuất khẩu trong năm 2020 sẽ chỉ giảm 5% so với cùng kì năm ngoái.
Theo Camposano điều này là do tốc độ tăng trưởng hàng năm của nửa đầu năm 2020 đạt trung bình 26%.
“Xuất khẩu tôm của Ecuador tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm và chúng tôi dự kiến sẽ cảm nhận được tác động của cuộc khủng hoảng COVID-19 kể từ bây giờ”, ông Camposano giải thích.
“Sau đó sẽ có sự cân bằng giữa mức xuất khẩu nửa đầu năm và mức giảm 50% trong xuất khẩu sẽ diễn ra trong nửa cuối năm nay. Đó cũng là lí do tại sao chúng tôi không thể mong đợi sự khác biệt lớn giữa mức xuất khẩu năm nay và năm trước”.
Bên cạnh đó, ngành tôm Ecuador cũng tin rằng giá sẽ tăng trong vài tháng tới do sản lượng giảm.
“Một mặt, nhiều nhà xuất khẩu tôm đã phải đóng cửa hoặc phơi khô ao nuôi tôm của họ, vì vậy hiện tại có rất ít trang trại hoạt động”, một nhà sản xuất tôm qui mô nhỏ trả lời phỏng vấn UndercurrentNews.
“Mặt khác, nhiều nhà sản xuất tôm khác tiếp tục hoạt động bằng cách nuôi ít tôm hơn trên mỗi mét vuông, điều này sẽ dẫn đến sản lượng tôm giảm mạnh trong những tháng tới”, người này cho hay.
Anh này cũng cho biết ngành tôm cần phải đợi ít nhất 2 đến 3 vụ thu hoạch tiếp theo để có thể xem liệu giá cả có tăng hay không.