Đến thăm mô hình nuôi cá của anh Vần Kim Đưởng, Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì) tại thôn Nậm Lìn, chúng tôi bất ngờ bởi quy mô nuôi cá với diện tích mặt nước 1.200 m2 mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Thực hiện đề án Nâng cao năng lực lãnh đạo phát triển kinh tế-xã hội của các đảng ủy cơ sở vùng nông thôn tỉnh Hà Giang (Đề án 145), trên cơ sở thực tiễn tại địa phương, Bí thư Đảng ủy xã Vần Kim Đưởng vận động năm cán bộ trong ban thường vụ, mỗi đồng chí xây dựng và làm thử nghiệm một mô hình kinh tế. Mô hình nuôi cá của gia đình anh Đưởng là kết quả quá trình nghiên cứu, thăm dò nhu cầu thị trường. Trước khi thực hiện mô hình, anh nuôi giống cá trê, phi, một vụ thu hai tấn, cho thu nhập mỗi năm khoảng 150 triệu đồng. Tuy nhiên, cá trê, phi dễ nuôi nhưng khó bán, trong khi thị trường chuộng cá chép, cá quả, cá vược… Tháng 5-2015, khi phát triển mô hình nuôi cá, anh Đưởng cải tạo toàn bộ ao nuôi, thả nhiều loại cá, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Bên cạnh mô hình của anh Đưởng, các mô hình nuôi cá của Phó Chủ tịch HĐND xã Nguyễn Văn Chung; mô hình nuôi cá, nuôi lợn, nuôi chim cút của Chủ tịch HĐND xã Vàng Văn Dương; mô hình nuôi dê của Phó Bí thư Đảng ủy xã Triệu Thanh Siểu... đều được đánh giá cho hiệu quả kinh tế cao và chủ trương nhân rộng.
Đến nay, xã Thông Nguyên có 17 mô hình nuôi lợn, dê, trâu... do cán bộ chủ chốt thực hiện và mở rộng đến cán bộ xã, bí thư chi bộ và người dân. Nhiều hộ gia đình mạnh dạn phát triển mô hình trồng chè, cây ăn quả… Gia đình anh Phàn Văn Hon (thôn Làng Giang) trồng hơn 100 cây trám từ năm 2007, mỗi năm cho thu nhập hơn 10 triệu đồng. Năm 2015, gia đình anh Hon triển khai mô hình trồng cây ngọc am, với diện tích 3 ha, đầu tư ban đầu 60 triệu đồng, hiện cho năng suất giá trị cao.
Chia sẻ kinh nghiệm trong mô hình phát triển kinh tế, Bí thư Đảng ủy xã Vần Kim Đưởng cho biết: Trong lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, nếu cán bộ chỉ nói và vận động nhân dân mà không trực tiếp làm, thì không mang lại hiệu quả. Cán bộ làm mới biết hướng dẫn bà con nên trồng cây gì, nuôi con gì. Khi làm mới rút ra kinh nghiệm, phải theo nhu cầu thị trường thì hiệu quả mới cao. Mô hình phát triển kinh tế đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, hỗ trợ xã trong thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trước đây cuộc sống khó khăn, thu nhập trung bình của bà con khoảng 12 triệu đồng/năm. Từ khi xã triển khai làm mô hình kinh tế, nhiều hộ dân mạnh dạn tham gia, thu nhập tăng lên hơn 20 triệu đồng/năm. Tháng 11-2015, Thông Nguyên là xã đầu tiên của huyện Hoàng Su Phì đạt chuẩn nông thôn mới. Bí thư Đảng ủy Vần Kim Đưởng cho biết: Để hỗ trợ bà con về kỹ thuật, xã mở các lớp tập huấn và cử cán bộ hướng dẫn các hộ gia đình cách phòng bệnh, chăm sóc cây trồng, vật nuôi… Tính đến tháng 10-2015, toàn huyện Hoàng Su Phì thực hiện 196 mô hình phát triển kinh tế, trong đó 158 mô hình do cán bộ chủ chốt các xã, thị trấn thực hiện. Đến nay, các mô hình tiêu biểu đã được nhân rộng trong nhân dân. Nhiều mô hình do các hộ gia đình thực hiện có hiệu quả, như mô hình chuyển đổi đất nương sang trồng cây ăn quả của gia đình ông Lù Sào Khún, thôn Ngàm Buổng, xã Pố Lồ; mô hình nuôi cá tầm của ông Xin Văn Vu, xã Nậm Ty; mô hình nuôi dê của các nhóm hộ tại xã Hồ Thầu; mô hình nuôi lợn thịt của ông Nguyễn Đức Thiệu, thôn khu chợ xã Thông Nguyên… Đánh giá về hiệu quả mô hình phát triển kinh tế, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Hoàng Su Phì Nguyễn Duy Thập cho biết: Hiện toàn huyện có 84 mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, có tính bền vững và có khả năng nhân rộng. Cách làm này khẳng định vai trò lãnh đạo của cán bộ chủ chốt, minh chứng việc cán bộ nói phải đi đôi với làm được, thì dân mới tin và làm theo.
Để tạo điều kiện cho các hộ gia đình tham gia phát triển kinh tế, Huyện ủy Hoàng Su Phì có cơ chế linh hoạt cho vay vốn, tối đa 50 triệu đồng để mua giống, hỗ trợ cho vay không tính lãi để làm chuồng... Cách làm của Hoàng Su Phì đã phát huy vai trò xung kích của cán bộ, đảng viên tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống của bà con.