Dân tin vào liên kết
Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nuôi trồng thủy sản Cái Bát (xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước) thành lập hơn 6 năm trước, gồm 12 thành viên, với 47ha. Đến năm 2016, tham gia Dự án “Chuỗi giá trị tôm công bằng bền vững tại Việt Nam”, số thành viên HTX tăng lên 57 người và hiện tại là 127 thành viên, với 430ha đất nuôi tôm, trong đó có 90ha nuôi thâm canh, 10ha nuôi bán thâm canh, còn lại là quảng canh.
Trước đây, hoạt động nuôi tôm hầu hết là “mạnh ai nấy làm”, nhưng từ khi được Dự án hỗ trợ tập huấn về kỹ thuật nuôi tôm, nông dân được doanh nghiệp liên kết thực hiện chuỗi giá trị ngành tôm hỗ trợ 500 ngàn đồng/ha đối với nuôi quảng canh và 8 triệu đồng/ha đối với nuôi thâm canh. Ngoài ra, doanh nghiệp còn hỗ trợ HTX bảo hiểm an toàn điện, xây dựng nhà kho và thuê tư vấn tập huấn nâng cao năng lực cho thành viên HTX.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Giám đốc HTX Cái Bát, cho biết: “Thông qua dự án, HTX liên kết với các doanh nghiệp cả đầu vào lẫn đầu ra rất hiệu quả. Ngoài những hỗ trợ trên, thành viên HTX còn được mua con giống với giá rẻ hơn 15 đồng/con, thức ăn rẻ hơn 5.000 - 7.000 đồng/kg và thuốc thú y, chế phẩm sinh học… đều giảm 20 - 25% so với bên ngoài. Tôm nuôi khi thu hoạch được doanh nghiệp Thanh Đoàn thu mua với giá tương đương thị trường hoặc cao hơn 2.000 - 5.000 đồng/kg”. Chính từ hiệu quả và sự công khai, minh bạch trong tất cả các khâu hoạt động của ban lãnh đạo HTX, người nuôi bắt đầu nhận thức được những lợi ích khi tham gia sản xuất hợp tác, nên số lượng thành viên tăng lên rất nhanh.
Hiệu quả của liên kết, được kiểm chứng ở một góc nhìn khác về những khó khăn khi kinh tế hợp tác chưa phát huy vai trò, như chia sẻ của ông Lâm Thanh Dũng, Chủ nhiệm HTX Đoàn Kết (ấp Tân Long, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi), cho biết: “Dù mang tiếng là HTX nhưng trước giờ chủ yếu bán cho thương lái, chứ không hợp đồng được doanh nghiệp trực tiếp thu mua tôm, nên giá cả thường bị ép, thiệt thòi rất nhiều cho người nuôi tôm. Thậm chí có khi lên đầm, tìm thương lái không kịp, khiến tôm “rớt” nhiều, giảm lợi nhuận rất lớn”.
Lợi thế lớn, nhưng chưa “dành” cho người nuôi tôm
Theo thống kê của Chi cục Nuôi trồng thủy sản, trung bình hàng năm tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản của tỉnh khoảng 225.000 tấn, riêng tôm khoảng 120.000 tấn. Toàn tỉnh có 28 công ty với 38 xí nghiệp chế biến thủy sản trực thuộc, tổng công suất thiết kế 190.000 tấn/năm.
Năng lực chế biến xuất khẩu thủy sản và thị trường xuất khẩu ngày càng được nâng cao và mở rộng. Hiện mặt hàng tôm Cà Mau đã có mặt tại 82 quốc gia và vùng lãnh thổ; các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm đều được tổ chức quốc tế chứng nhận; sản phẩm tôm chế biến đa dạng và phong phú theo yêu cầu của từng khách hàng. Đặc biệt, tôm sinh thái Cà Mau đã được Tổ chức Naturland (Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Đức)chứng nhận và giá trị được nâng lên hơn 10% so với giá thị trường.
Kết quả là vậy, nhưng trên thực tế người nuôi tôm không làm giàu từ chính nguồn lợi này, mà luôn “bấp bênh” bởi chuỗi liên kết giá trị chưa có sự phối hợp giữa các chủ thể là các doanh nghiệp. Doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, cung ứng giống, thuốc, thức ăn, chế phẩm sinh học và các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản hầu hết chỉ phát triển theo lĩnh vực của mình, chưa có sự liên kết với nhau. Đối với doanh nghiệp sản xuất giống, phải qua đại lý mới đến người nuôi. Còn doanh nghiệp chế biến thức ăn, hóa chất, chế phẩm sinh học, đến đại lý cấp 1, rồi cấp 2 mới đến tay người tiêu dùng dưới dạng hợp đồng.
Nhìn vào mô hình liên kết hiện nay, có thể thấy từ người nuôi đến xuất khẩu phải trải qua 4 giai đoạn. Cũng có nghĩa là số lợi nhuận mà người nuôi tôm thực sự nhận được giảm dần qua các giai đoạn ấy. Cuối cùng, người trực tiếp sản xuất ra con tôm, chịu nhiều vất vả, rủi ro nhất, lại chính là người chịu thiệt thòi nhiều nhất trong mô hình liên kết như hiện nay. Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thừa nhận: “Lợi thế thì nhiều, nhưng chuỗi liên kết trong sản xuất thủy sản còn nhiều bất cập. Phải mất 3 - 4 công đoạn, nông dân mới có thể đưa con tôm tiếp cận được thị trường xuất khẩu. Tất nhiên, qua mỗi giai đoạn ấy, người nuôi tôm sẽ mất dần lợi nhuận và người được lợi trực tiếp không ai khác lại chính là những người trung gian”.
Cà Mau được mệnh danh là “thủ phủ” ngành tôm của cả nước, nhưng liên kết sản xuất còn chưa chặt chẽ.
Xây dựng mô hình liên kết mới
Từ những thực tế đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng mô hình liên kết mới, trong đó có sự tham gia tích cực và gắn trách nhiệm từ các bên trong chuỗi giá trị. Đối với người nuôi tôm: Một đơn vị diện tích đất nuôi tôm công nghiệp phải góp tối thiểu 25% vốn (qua máy móc, trang thiết bị, con giống, lao động, nhiên liệu…); doanh nghiệp cung cấp vật tư hỗ trợ người nuôi tôm tối thiểu 35% thông qua hình thức bán hàng trả sau không tính lãi. Còn về phía ngân hàng cho vay tối thiểu 40% vốn qua hình thức cho vay thế chấp.
Chuỗi liên kết mới sẽ là người nuôi tôm được mua trực tiếp con giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản từ doanh nghiệp với mức giá ưu đãi. Người nuôi tôm sẽ được bán trực tiếp con tôm cho doanh nghiệp chế biến, đóng gói bỏ qua 2 trung gian đầu mối. Theo đó, mô hình mới sẽ đặt trách nhiệm cho mỗi bên tham gia cùng có lợi.
Giải pháp được ngành chuyên môn đặt ra trong lúc này là đẩy mạnh doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tăng cường sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp; tăng cường từng khâu trong chuỗi liên kết này; tăng cường công tác cải cách hành chính, cải cách thể chế, chính sách; cải thiện môi trường đầu tư trong nông nghiệp; khuyến khích các ngân hàng tham gia vào chuỗi liên kết này.
Từ liên kết “4 nhà”, rồi mở rộng lên “6 nhà” là một chiến lược cho tương lai bền vững, bao gồm các thành viên của chuỗi: Nhà nông - nhà nước - ngân hàng - doanh nghiệp - người nuôi tôm - nhà phân phối. Quan trọng hơn hết là doanh nghiệp xuất khẩu cần minh bạch trong việc cung cấp các thông tin thị trường và yêu cầu chất lượng sản phẩm của khách hàng cho người sản xuất, nuôi trồng thủy sản để tổ chức sản xuất ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường và khách hàng; góp phần đảm bảo chuỗi liên kết thủy sản phát triển bền vững, ổn định.
Tầm nhìn xa hơn, để mời gọi đầu tư vào ngành Nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh Cà Mau còn ban hành nhiều chính sách ưu đãi khác: Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất; tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng các dịch vụ cung ứng đầu vào; ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, giá thuê đất… nhằm đạt mục tiêu vùng nông nghiệp công nghệ cao đã đề ra.