Mỗi bể nuôi tôm được anh Cường thiết kế chỉ vỏn vẹn 25 m2, chiều cao hơn 1m. Trên các bể nuôi, anh Cường còn đầu tư khung dàn mái che hình chóp nón. Anh Cường giải thích: Nuôi tôm có mái che là người nuôi chủ động thời vụ, chủ động đưa sản phẩm ra thị trường. Ví dụ, trước và sau Tết hoặc vào các dịp lễ, hội thì nhu cầu tôm ở miền Bắc sẽ cao. Muốn có nguồn cung kịp thời, chủ động thì phủ nilon lên mái che để đảm bảo ổn định nhiệt độ môi trường nước chứ ao nuôi thì không thể.
Về mùa hè, khu vực nuôi tôm thương phẩm, anh Cường tháo hết các tấm nilon ra và để lưới thoáng cho mát mẻ.
Trong mỗi bể nuôi tôm được lắp đặt máy sục khí, hệ thống dẫn và cấp thoát nước ra ngoài riêng biệt. Anh Cường cho biết: Ưu điểm của mô hình nuôi tôm trong bể xi măng là dễ dàng kiểm soát và xử lý dịch bệnh trên tôm. Khi tôm bị bệnh với diện tích mỗi bể chỉ vỏn vẹn 25m2 sẽ cách ly tôm bệnh nhanh chóng, không sợ bị lây lan như nuôi thả ngoài ao. Anh Cường bắt đầu thử nghiệm mô hình nuôi tôm trong bể xi măng từ năm 2014 đến nay đã hơn 10 vụ tôm, nhưng chưa vụ nào gặp rủi ro.
Đặc biệt, áp dụng cách nuôi này, khi thu hoạch tôm anh Cường rất nhàn. Anh chỉ việc mở khóa van nước để tháo cạn nước rồi đặt túi lưới.
Và thu hoạch những mẻ tôm bội thu
Với mô hình nuôi tôm trong bể, anh Cường thả tôm với mật độ khá dày khoảng 400 con/m2 (gấp 4 lần so với mật độ thả tôm ở ao nuôi). Sau đó, từ 40-60 ngày sau, anh Cường sẽ san ra, chỉ để thả 200 con/m2. Sau đó, anh Cường áp dụng cách “thu tỉa” bắt tôm làm 2 lần. Áp dụng cách nuôi này, mỗi bể diện tích 25 m2, sau ba tháng nuôi có thể đạt 120-150 kg tôm. Với 2 vụ tôm mỗi năm, trừ hết chi phí, anh Cường còn thu lãi 31 triệu đồng/bể.
Hiện với tổng diện tích 1,2ha, anh Cường chia làm 80 bể nuôi tôm với tổng diện tích 2.000 m2 và 7 ao nuôi tôm. Từ nuôi tôm mỗi năm anh Cường thu lãi tiền tỷ mỗi năm. Anh Cường cũng là 1 trong những hộ đầu tiên ở xã Hải Đông tậu được ô tô từ tiền bán tôm.