Ở Việt Nam, mãi năm 2008, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới chính thức cho phép các tỉnh nuôi loài thuỷ sản này. Tuy nhiên, phải nuôi theo quy hoạch, như: Vùng Nam Bộ chỉ được nuôi theo hình thức thâm canh và phải nuôi ở những vùng được quy hoạch, không nuôi xen kẽ tôm chân trắng với tôm sú (kể cả quy định không được sản xuất giống tôm chân trắng chung một trại giống với tôm sú); còn vùng từ Quảng Ninh đến Bình Thuận được nuôi theo nhu cầu của nhà đầu tư (mọi hình thức thâm canh, bán thâm canh, quảng canh cải tiến) và cũng phải nuôi trong vùng quy hoạch.
Qua thực tế nuôi và kết quả nghiên cứu, các chuyên gia ngành thuỷ sản đã khẳng định, tôm chân trắng có ưu thế hơn hẳn so với loài tôm sú. Đó là có thể chủ động chọn giống để tạo ra những dòng có ưu thế vượt trội nhờ khả năng nuôi theo chu kỳ khép kín từ con giống đến đàn tôm bố mẹ mà không phải thả chúng trở lại môi trường tự nhiên. Đồng thời, việc nuôi tôm chân trắng cũng giúp đảm bảo sản xuất được con giống không mang mầm bệnh. Ngoài ra, loài tôm chân trắng còn mang các lợi thế kỹ thuật và kinh tế quan trọng như: Thịt thơm ngon, giàu dinh dưỡng, vỏ mỏng, phần thịt chiếm trên 60% trọng lượng thân; có khả năng nuôi mật độ rất cao mà kích cỡ tôm thương phẩm đồng đều; khả năng kháng bệnh cao; tỷ lệ sống cao; yêu cầu độ đạm trong thức ăn không cao, hệ số thức ăn thấp, dễ nuôi nên cho năng suất và hiệu quả cao…
Là địa phương có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc - nơi đã nuôi thành công giống tôm chân trắng từ những năm 1998, nên ngư dân Móng Cái có điều kiện tiếp cận sớm và dễ dàng đưa loài tôm chân trắng vào nuôi trên địa bàn. Điều này cũng lý giải, vì sao diện tích nuôi tôm chân trắng hiện nay ở Móng Cái lớn nhất trong tỉnh và so với nhiều vùng khác trong cả nước. Theo thống kê của thành phố, hiện loài tôm chân trắng đã được nuôi ở 11/17 phường, xã với hình thức nuôi công nghiệp chiếm xấp xỉ 63%. Nếu như năm 2011, sản lượng tôm chân trắng trên toàn thành phố đạt 2.135 tấn với năng suất bình quân 2,3 tấn/ha thì đến năm 2012 đã có 732 hộ nuôi trên diện tích 952ha; trong đó, nuôi công nghiệp 599ha, bán công nghiệp 142ha, sản lượng đạt trên 2.300 tấn…
Tuy đạt kết quả khả quan vậy và loài tôm này cũng rất được thị trường Mỹ, Nhật ưa chuộng nhưng đầu ra cho tôm chân trắng ở Móng Cái rất bấp bênh, không rõ ràng do chủ yếu tiêu thụ trôi nổi trên thị trường. Đó còn chưa kể đến việc bà con tự nhập giống, thức ăn không rõ nguồn gốc, kém chất lượng dễ dẫn đến tôm bị chết do dịch bệnh, gây thiệt hại cho ngư dân. Điều này cũng khiến cho sản phẩm tôm chân trắng khó xâm nhập vào các thị trường lớn khó tính trên thế giới.
Làm sao để tạo đầu ra bền vững cho người nuôi tôm chân trắng; làm sao để sản phẩm tôm chân trắng của Móng Cái có thể chững chạc xuất hiện trên thị trường…? Câu hỏi này chỉ có lời giải khi tỉnh Quảng Ninh lựa chọn tôm chân trắng vào danh mục các sản phẩm xây dựng thương hiệu đến năm 2015. Theo đó, Công ty TNHH Tư vấn và Dịch vụ thuỷ sản Hưng Phú (TP Hà Nội) đã được lựa chọn làm đơn vị tư vấn thực hiện dự án Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Tôm chân trắng Móng Cái”. Theo Tiến sĩ Trần Thị Dung, Công ty TNHH Tư vấn và Dịch vụ thuỷ sản Hưng Phú (TP Hà Nội), nhãn hiệu này hiện đang được hoàn tất khâu cuối cùng. Hiện Hội nghề cá thành phố cũng đã thành lập Ban quản lý nhãn hiệu tập thể này, trực thuộc Hội. Trong quá trình xây dựng nhãn hiệu tập thể, đơn vị tư vấn cũng đã hoàn thiện các quy trình công nghệ tôm chân trắng; quy trình bảo quản tôm tươi; quy trình công nghệ nuôi quảng canh cải tiến tôm chân trắng... đồng thời, tổ chức tập huấn, hội thảo, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân đăng ký sử dụng nhãn hiệu về các quy trình này để đảm bảo nhãn hiệu được sử dụng đúng, hiệu quả; đảm bảo chất lượng tôm và an toàn vệ sinh thực phẩm.