Bên cạnh các kết quả nghiên cứu đã đạt được, thì cũng có sản phẩm ứng dụng AI, IoT trên thị trường và được đón nhận. Cụ thể, XpertSea từ Canada, eFishery từ Indonesia, Umitron Cell từ Nhật và Singapore, AquaCloud từ Na Uy, Aquaconnect từ Ấn Độ, SHOAL từ EU… mục tiêu chính các sản phẩm chủ yếu về quản lý chất lượng nước, đánh giá tăng trưởng, sức khỏe, và máy cho ăn tự động.
AI trong quản lý tăng trưởng và sức khỏe tôm nuôi
XpertSea, một công ty khởi nghiệp về công nghệ đến từ Canada đã nghiên cứu và phát triển một giải pháp nhằm hỗ trợ việc nuôi trồng thủy sản có lợi nhuận và bền vững hơn. Đó là công bố một bước tiến nhảy vọt trong AI cho phép người nuôi tôm sử dụng điện thoại thông minh của họ để nắm bắt dữ liệu tôm nuôi chính xác và theo dõi tốc độ tăng trưởng từ lúc thả nuôi đến khi thu hoạch.
Giải pháp này được xây dựng dựa trên sự thành công ban đầu của XperCount, một “thùng thông minh” được kết nối với phần mềm quản trị, cho phép người nuôi biết được số lượng, và chất lượng hậu ấu trùng tôm (khi thả giống), đến việc quản lý trọng lượng, tăng trưởng, dự đoán sản lượng và hình ảnh của ao tôm (trong quá trình nuôi) chỉ trong vài giây bằng ứng dụng Mobile XperCount (còn gọi là Mobile app) được cài đặt trên chính điện thoại di động của người nuôi. Hiện nay, ứng dụng nâng cao này được sử dụng khá dễ dàng và nhanh chóng trên hai nền tảng Android và IOS.
Với dữ liệu và hình ảnh chụp được về tôm, người nuôi có thể truy cập ngay lập tức, dễ dàng, thông tin minh bạch, và đáng tin cậy. Trọng lượng trung bình, tốc độ tăng trưởng và đặc biệt, là bảng phân bố theo trọng lượng tôm được thể hiện rõ nét.
Điều này cho phép người nuôi tôm điều chỉnh chế độ cho ăn nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các cỡ tôm trong ao, xác định sự bất thường trong tăng trưởng của tôm và đưa ra quyết định tốt hơn về cách chăm sóc và buôn bán. Bằng cách sử dụng Mobile app, người nuôi ở bất kỳ mô hình và quy mô nào đều có thể sử dụng điện thoại của họ để theo dõi sự phát triển của ao nuôi, tiết kiệm một lượng lớn thời gian và số lượng mẫu đủ lớn để đại diện cho cả ao nuôi, so với cách cân bằng tay truyền thống.
AI cho phép người nuôi tôm sử dụng điện thoại thông minh để nắm bắt dữ liệu tôm nuôi chính xác và theo dõi tốc độ tăng trưởng từ lúc thả nuôi đến khi thu hoạch. Ảnh: Tép Bạc
Ứng dụng còn cung cấp sự ước tính về sản lượng và cỡ tôm trong hai tuần tiếp theo được xây dựng bởi AI. Đồng thời, khả năng chia sẻ và trao đổi thông tin của ao nuôi từ cấp nhân viên đến quản lý và chuyên gia ở mọi nơi trên thế giới được thực hiện liên tục. Đây là một giải pháp mạnh mẽ để cải thiện việc ra quyết định hàng ngày, giúp tôm tăng trưởng nhanh hơn, chuyển đổi thức ăn hiệu quả hơn và quản lý chất lượng nước tốt hơn.
Bằng việc lưu trữ không giới hạn hình ảnh tôm được chụp trong suốt vụ nuôi, người nuôi tôm giờ đã có thêm một nguồn dữ liệu mang tính tham khảo để có thể đánh giá, và so sánh các quy trình nuôi, loại thức ăn, cách thức xử lý bệnh,... giữa các ao khác nhau trong cùng vụ nuôi hoặc qua từng năm.
Đồng thời góp phần đánh giá được sự hiệu quả của việc sử dụng thuốc dùng trong quá trình nuôi và khả năng sử dụng thức ăn của tôm. Chính vì các số liệu được ghi nhận định kỳ, phân tích và lưu trữ, nên người nuôi có thể biết được sự cải thiện hay bất kỳ diễn biến bất thường nào khác về tình trạng sức khỏe tôm, để có những thay đổi kịp thời.
Ngoài ra, các hãng công nghệ khác cũng đang tìm cơ hội nắm bắt tiềm năng của AI trong lĩnh vực dự đoán dịch bệnh. Aquaconnect, một công ty khởi nghiệp tại Ấn Độ đang giúp người nuôi tôm dự đoán dịch bệnh và cải tiến chất lượng nước bằng ứng dụng di động FarmMOJO. C
ông cụ này sử dụng công nghệ máy học (Machine Learning) giúp người nuôi nắm bắt toàn bộ tình hình trang trại và gợi ý các bước hành động phù hợp. Điều quan trọng là các sản phẩm này chính là chìa khóa để quản lý dịch bệnh tốt hơn và đạt sản lượng cao hơn. Nó thúc đẩy quá trình phát hiện nhanh, báo cáo thời gian thực và đưa ra quyết định dựa trên cơ sở dữ liệu đã được phân tích.
AI trong công nghệ cho tôm ăn tự động
Unitron là một hãng công nghệ nuôi trồng thủy sản tại Nhật Bản và Singapore, chuyên cung cấp các nền tảng dữ liệu bằng IoT, cảm ứng điều khiển từ xa qua vệ tinh và AI. Một trong những giải pháp mới nhất của Unitron là Umitron Cell (Cell) - máy cho ăn thông minh có sức chứa 400 kg thức ăn, gồm một hệ thống quản lý năng lượng mặt trời, máy tính, cảm biến khối lượng, máy chia thức ăn và một camera quan sát vật nuôi 24 giờ/ngày. Cell được kiểm soát từ xa qua các video ghi lại hình ảnh tôm và gửi về điện thoại di động hoặc máy tính. Cell được lắp đặt vào các hệ thống nuôi tôm và cho phép người nuôi kiểm tra các đoạn video phát sóng trực tiếp hoặc dữ liệu đã được lưu lại.
Công nghệ cho tôm ăn tự động. Ảnh: Unitron.com
Người nuôi có thể điều chỉnh thời gian của máy cho ăn, cài đặt lượng thức ăn để điều chỉnh quá trình cho ăn, kiểm tra lịch sử cho ăn, dữ liệu vật nuôi để nắm được khối lượng thức ăn đã sử dụng từ những ngày, tuần hoặc tháng trước. Cell được sử dụng nối tiếp với công nghệ đo độ thèm ăn của tôm/cá bằng thuật toán AI (FAI).
Đây là một hệ thống phát hiện mức độ thèm ăn của tôm/cá trong thời gian thực bằng thuật toán máy học, giúp phân tích dữ liệu video đã được tập hợp trực tiếp từ nhiều vị trí trại nuôi để tính toán độ thèm ăn của tôm/cá. Người nuôi kiểm tra số liệu FAI để xác định thời điểm tôm/cá đói hoặc no, từ đó điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.
Ngoài ra, eFishery của Indonesia với sản phẩm eFisheryFeeder, thiết bị nạp thức ăn tự động được kết nối web, điều khiển bằng ứng dụng (với các cảm biến tùy chọn) dành cho người nuôi tôm. Mục tiêu là "tăng năng suất và giảm chi phí", nguyên lý hoạt động là hình thành nên nền tảng hệ sinh thái giữa người nuôi tôm, người bán thức ăn, người sản xuất thức ăn và nhóm tài chính một cách trực tuyến.
IoT trong quản lý chất lượng nước ao nuôi tôm
Đây là một thách thức về công nghệ bởi vì nó liên quan đến việc phát triển các đầu dò mới để đo lường vi sinh vật, chất vi lượng hoặc các thông số hóa lý khác. Một trở ngại lớn khác đối với cuộc cách mạng IoT trong lĩnh vực này là khả năng chuyển một lượng lớn dữ liệu từ trang trại sao cho ít tiêu tốn năng lượng nhất có thể. Thông qua sự phát triển của mạng 5G, nó có thể giúp tăng số lượng dữ liệu từ trang trại, thông tin gần nhất với thực tế.
Ứng dụng kỹ thuật số là nền tảng tạo ra một cuộc cách mạng công nghiệp hóa toàn ngành nuôi trồng thủy sản.
Sự phát triển của 5G cũng sẽ cho phép phát triển và chuyển giao các loại thông tin với nhau cùng trên hệ thống. Sự phát triển về giám sát thời gian thực thông qua hình ảnh HD chất lượng cao từ video để cho phép phân tích hình ảnh sâu hơn, sẽ mở ra triển vọng điều tra quá trình nuôi bằng cách phân tích trực tiếp dưới nước về tập tính, hoạt động và các bệnh tiềm ẩn của tôm. Nó cũng sẽ cho phép khảo sát môi trường vi mô như thời tiết hoặc các hoạt động xung quanh trang trại hay ngăn chặn săn trộm.
Hiện nay, mặc dù việc ứng dụng kỹ thuật số vào trong nuôi trồng thủy sản đang ở những bước đầu, nhưng đó cũng là nền tảng tạo ra một cuộc cách mạng công nghiệp hóa toàn ngành nuôi trồng thủy sản.