6 tháng đầu năm 2013, nhóm đề tài đã kết thúc điều tra nhanh vùng nuôi Tu hài trọng điểm ở các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh và Khánh Hoà nhằm xác định nguyên nhân gây Tu hài nuôi chết hàng loạt.
Theo đó, đã tiến hành giám sát môi trường vùng nuôi Tu hài thương phẩm trọng điểm. Tuy nhiên, việc giám sát môi trường giai đoạn ương nuôi Tu hài tại các trại giống chưa thực hiện được, do không có hoạt động sản xuất giống tại đây. Các nhà nghiên cứu cũng đã tiến hành nhiều đợt thu mẫu, phân tích yếu tố môi trường (vào thời điểm có hiện tượng Tu hài chết) và thu mẫu định kỳ. Kết quả cho thấy: Yếu tố môi trường nằm trong ngưỡng cho phép, ngoại trừ yếu tố độ mặn và độ pH cao; Đã phân lập được một số loài tảo có khả năng sinh độc tố (gây hiện tượng thuỷ triều đỏ), tuy nhiên mật độ thấp.
Về hoạt động nghiên cứu tác nhân gây Tu hài nuôi chết hàng loạt, nhóm đề tài đã tiến hành một số đợt thu mẫu (vào thời điểm có hiện tượng Tu hài chết ở Hải Phòng) và một số đợt thu mẫu định kỳ tại Khánh Hoà. Kết quả cho thấy: Tu hài bệnh bị nhiễm một số loài vi khuẩn với tỷ lệ 50-100%. Nhóm đã tiến hành thí nghiệm gây nhiễm vi khuẩn cho Tu hài giống và Tu hài thương phẩm khoẻ mạnh, nuôi tại Hải Phòng. Nhìn chung, Tu hài chết nhưng không có hiện tượng sưng vòi. Kiểm tra kỹ thì thấy mô mang của Tu hài bị hoại tử, mô gan và mô cơ vòi cũng bị hoại tử. Trong các nghiên cứu tiếp theo với vi rút trong vòi của Tu hài bệnh, từ kết quả đánh giá sơ bộ đã xác định được tác nhân chính gây chết hàng loạt Tu hài nuôi là vi rút. Vi khuẩn chỉ là tác nhân thứ cấp, gây hoại từ nhanh mô mang, mô gan và mô cơ vòi.
Một số nhận định liên quan đến việc Tu hài nuôi bị chết hàng loạt
Sau những nỗ lực nghiên cứu, thí nghiệm, nhóm các nhà nghiên cứu khoa học tham gia đề tài "Nghiên cứu dịch bệnh gây chết hàng loạt ở Tu hài nuôi tại Việt Nam" đã khẳng định: hiện tượng Tu hài chết có liên quan đến mầm bệnh và diễn biến bệnh có xu hướng lây lan (phát triển thành dịch), Tu hài chết có biểu hiện bất thường (vòi sưng, bong tróc), vi khuẩn và vi rút có liên quan đến hiện tượng Tu hài bị chết và nguồn gốc/xuất xứ của giống Tu hài cũng có liên quan đến dịch bệnh.
Trong thời gian tới, nhóm đề tài sẽ tiếp tục thu mẫu Tu hài bệnh, gây nhiễm vi khuẩn trong các điều kiện môi trường khác nhau, gây nhiễm cho Tu hài khoẻ bằng dịch lọc (ở phần vòi) của Tu hài có biểu hiện sưng vòi.