Tuy nhiên, trong thực tế khi môi trường nuôi chuyển biến xấu, tôm nuôi bị sốc phát sinh bệnh; người dân thường sử dụng thuốc thủy sản để khắc phục tình trạng bất lợi nhưng kết quả đôi lúc không đạt như mong muốn. Một trong những nguyên nhân là do người dân chưa áp dụng phương pháp sử dụng thuốc thủy sản đúng cách. Để sử dụng thuốc, hóa chất, chế phẩm vi sinh…(gọi chung là thuốc thủy sản) phòng trị bệnh cho tôm nuôi một cách hiệu quả, kiểm soát chi phí đầu vào và tăng tỉ lệ thành công. Xin khuyến cáo người nuôi tôm cần tuân thủ theo các nguyên tắc sau đây:
Một là chẩn đoán đúng bệnh: Hằng ngày người nuôi duy trì việc thường xuyên kiểm tra, theo dõi môi trường nước trong ao, sức khỏe tôm nuôi. Khi phát hiện dấu hiệu bất lợi cần có biện pháp xử lý ngay, tránh kéo dài. Dựa vào kết quả kiểm tra tại phòng xét nghiệm, kinh nghiệm bản thân sẽ xác định được “môi trường nuôi đang chuyển biến theo hướng nào”, “tôm đang bệnh gì và tỉ lệ nhiễm bệnh ra sao”. Từ đó đưa ra quyết định về cách phòng trị đạt hiệu quả.
Hai là dùng đúng thuốc: Hiện nay trên thị trường có rất nhiều sản phẩm thuốc thủy sản có tác dụng điều trị gần tương tự nhau. Thậm chí có một số công ty vì mục đích kinh tế đã “quảng cáo” sản phẩm của mình có thể trị “bách bệnh”. Vì thế người nuôi nên thận trọng để chọn đúng thuốc để điều trị, cần phải biết được là bệnh đó cần loại thuốc nào để chữa trị. Khuyến cáo người nuôi nên chú ý thành phần hoạt chất trong sản phẩm thì hiệu quả mang lại sẽ cao hơn, ví dụ để diệt khuẩn cho ao nuôi cần sử dụng các sản phẩm của thành phần Iodine, BKC…hoặc khi trong môi trường nuôi mật độ vi khuẩn có hại tăng, chất lượng nước không đảm bảo cần tiến hành tạt xuống ao các sản phẩm chế phẩm vi sinh để bổ sung các dòng vi khuẩn có lợi như Bacillus mensentrericus, Bacillus subtilis, Lactobacillus acidophilus…
Ba là sử dụng đúng liều: Sau khi đã chọn đúng sản phẩm thủy sản điều trị cho tôm nuôi, cải thiện môi trường nước cần phải biết liều lượng sử dụng đối với từng bệnh, trường hợp bệnh nhẹ thì dùng liều thấp, bệnh nặng thì dùng liều cao hơn. Khuyến cáo phải tham khảo liều lượng của nhà sản xuất kết hợp với tình trạng thực tế của ao, tôm nuôi, diễn biến thời tiết để xác định liều lượng xử lý tốt nhất. Ví dụ: Khi môi trường ao nuôi hiện diện nhiều vi khuẩn Vibrio sp. gây bệnh trên tôm nên dùng sản phẩm chứa Iodine để phòng trị bệnh, nếu liều phòng là 1 lít/3.000 m3 nước thì liều trị là 1 lít/1.000 - 2.000 m3 nước.
Bốn là dùng đúng lúc: Xác định đúng thời điểm sẽ phát huy tốt nhất hiệu quả thuốc thủy sản sử dụng, đồng thời phải chú ý đến thời điểm tôm khỏe nhất, môi trường ao nuôi ổn định nhất. Ví dụ: Trong điều trị bệnh đóng rong, buổi sáng nắng tốt là thời điểm thích hợp nhất vì Zoothamnium sp tăng sinh cao nhất vào buổi sáng cũng là thời điểm dễ tiêu diệt chúng nhất, tôm nuôi khỏe nhất, môi trường nước ổn định nhất, BKC phát huy tác dụng cao nhất…
Năm là sử dụng đúng cách: Thuốc thủy sản phải được đưa đến đúng nơi phát sinh bệnh thì mới mang lại hiệu quả cao nhất. Trường hợp tôm đang mắc bệnh về đường ruột (phân trắng) thì cần bổ sung men vi sinh Bacillus subtilis, Lactobacillus acidophilus trực tiếp bằng cách trộn vào thức ăn cho tôm, tạt xuống ao sẽ không có hiệu quả. Khi nền đáy ao có nhiều vật chất hữu cơ, phát sinh khí độc gây hại cho tôm thì phải sử dụng chế phẩm vi sinh dạng hạt và dạng bột để cải thiện nền đáy ao; khi cải thiện chất lượng nước trong ao thì chọn chế phẩm vi sinh dạng nước hoặc dạng bột mịn. Chế phẩm vi sinh phải được ủ với nước ao hoặc kết hợp nước ao với mật rỉ đường trong 12 - 24 giờ sau đó tạt xuống ao vào buổi sáng có nắng tốt.