Vị trí, cấu trúc nhà, kỹ thuật xây dựng, âm thanh dẫn dụ, bố trí loa, vật liệu để chim đu bám làm tổ và đặc biệt là các yếu tố vi khí hậu trong nhà yến.. là những yếu tố quyết định sự thành công của việc nuôi chim yến. Tuy nhiên, trong bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu một số kinh nghiệm của Ban Quản lý và Khai thác yến Cù Lao Chàm, Hội An về dẫn dụ chim yến vào nhà yến sao cho hiệu quả.
Âm thanh dẫn dụ
Âm thanh dùng cho nhà yến là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của nhà yến. Sau khi xây dựng nhà yến đạt chuẩn về yêu cầu kỹ thuật, nếu sử dụng âm thanh thích hợp thì chưa cần tạo mùi sinh cảnh, chim yến vẫn vào ở và làm tổ.
Âm lượng phát ra từ loa cửa cho nhà yến là một vấn đề đáng quan tâm, theo quy định hiện nay là không quá 70db. Trong thực tế hầu hết các nhà yến đều mở loa vượt cường độ cho phép và nhà nước rất khó kiểm soát vấn đề này. Theo nhiều tài liệu nghiên cứu thì tiếng kêu chim yến trong tự nhiên có cường độ thường dưới 50 db, nhưng do sự cạnh tranh của người nuôi, muốn nhà mình thu hút được nhiều chim yến hơn nhà khác nên đẩy âm lượng lên cao không cần thiết, làm ảnh hưởng đến các hoạt động sống của những người xung quanh. Nếu mở loa cửa với âm lượng quá lớn sẽ làm cho chim yến bay về gần cửa rồi tản ra chứ không chui vào cửa nhà yến. Kinh nghiệm cho thấy loa cửa khi mở đứng cách khoảng 5m nghe rõ và không chói tai là đã có tác dụng. Loa dẫn chim vào cửa nhà, vào các phòng cũng mở vừa đủ chim nghe thấy tìm vào và không lạm dụng quá nhiều loa khiến chim mất phương hướng. Riêng loa ru mở rất nhỏ để tạo sự yên tâm cho chim khi đã vào đu bám, mở lớn và nhiều cũng khiến chim mất phương hướng bay tới bay lui mà không biết đậu chỗ nào.
Để khắc phục vấn đề mở loa nhà yến quá to thì ngoài quy định là mở loa với cường độ thích hợp với tập tính của chim yến (dưới 70db) nhưng phải đo ngay trước miệng loa và phải có biện pháp giám sát tự động cùng chế tài đủ mạnh với những chủ nhà yến mở âm thanh vượt mức cho phép.
Cũng cần phải xem xét về thời gian phát tiếng kêu, liệu có cần thiết phải mở loa ngoài từ sáng sớm đến chiều tối không?! Theo các kết quả nghiên cứu nhận thấy chim yến rời hang đi kiếm ăn từ sáng sớm và trở về tổ một hay nhiều lần trong ngày tùy thuộc vào thời điểm trong hay ngoài mùa sinh sản. Buổi sáng đến thời điểm nhất định chim tự động bay đi kiếm ăn như nhiều loài khác, mở loa sáng sớm như một cách đánh thức chim là không cần thiết. Như vậy tiếng kêu chỉ cần phát vào buổi chiều để thu chim trở về nhà nhiều hơn mà thôi (nhà mới xây), thu hút thêm những chim mới (nhà yến cũ), những chim đã ở lại lâu rồi thì không cần tiếng kêu này chúng vẫn về đúng nhà, đúng tổ của mình. Nếu thực hiện thống nhất về mức âm lượng và thời gian phát âm thanh thì cũng không còn phải lo lắng rằng chim nhà mình sẽ bị nhà khác dẫn dụ đi hết (trừ khi các yếu tố kỹ thuật khác trong nhà không đảm bảo khiến chim bỏ đi).
Dàn loa trong nhà yến.
Theo một số tài liệu nghiên cứu về âm sinh học thì tiếng kêu của chim yến có nhiều mục đích khác nhau như: báo hiệu có nhiều thức ăn, kêu cứu khi có địch hại, giao hoan, đòi ăn của chim non, chim tơ, mớm mồi của chim bố mẹ…vv. Ở Malaisia và Indonesia có nhiều công ty chuyên thu tiếng kêu thật của chim yến từ các hang động hay từ nhà yến đông đúc để sản xuất các file âm thanh bán ra thị trường. Các nhà yến Việt Nam chủ yếu sử dụng tiếng kêu này và mỗi nhà mỗi kiểu, phụ thuộc vào kinh nghiệm của cá nhân hay tổ chức tư vấn xây dựng, lắp đặt và vận hành. Việc thay đổi tiếng kêu thường xuyên thường tạo ra sự mới lạ khiến chim yến vờn nhiều hơn (cả chim đã ở lâu cũng vờn) nhưng theo chúng tôi không nên lạm dụng vì với tập tính bầy đàn và bảo thủ nơi ở của chim yến, một khi đã ở lại làm tổ thì chim cũng ít vờn quanh trước cửa ra vào nhà của mình. Một số nhà yến dùng âm thanh có từ rất lâu và cố định nhưng chim vẫn phát triển đều. Kinh nghiệm cho thấy các nhà yến dùng nhiều loại tiếng kêu và mở lớn thì chim thường phấn chấn vờn nhiều nhưng hiệu quả ở lại không cao vì nhiễu loạn tiếng kêu trong nhà làm chim mất phương hướng, không tạo ra môi trường tự nhiên và yên tâm cho chim yến.
Tóm lại, nên dùng 2 đến 3 loại tiếng kêu cho nhà yến để phát 3 loại loa là loa phóng ở cửa, loa dẫn vào nhà, vào phòng và loa ru. Nhiều nhà yến chỉ sử dụng 2 loại tiếng kêu, 1 loại chung cho loa phóng cửa và loa dẫn (khác nhau về âm lượng) và 1 loại cho loa ru cũng cho thấy hiệu quả rất tốt. Thậm chí có nhà chỉ dùng 1 loại tiếng kêu nhưng vẫn có chim yến vào làm tổ. Ngoài ra, việc sử dụng loại tiếng kêu linh hoạt và điều chỉnh âm lượng phối hợp cho từng loại tiếng kêu trong nhà yến là rất quan trọng, phụ thuộc kiến thức và kinh nghiệm của người sử dụng âm thanh. Nếu có đủ kinh nghiệm hay cơ sở phân biệt tiếng kêu đó nhằm mục đích gì, tập trung vào thời điểm nào trong ngày, trong mùa, trong năm thì việc linh hoạt trong sử dụng tiếng kêu sẽ đem lại hiệu quả dẫn dụ cao hơn.
Mùi dẫn dụ
Khi chim yến nghe theo âm thanh vào nhà và bay đến từng ngóc ngách của ngôi nhà, nếu ở lại sẽ thải phân ngay vị trí chim đeo bám và đây cũng là dấu hiệu để nhận biết chim đã ở lại trong nhà hay chưa, nhiều hay ít. Phân chim yến chứa nhiều xác côn trùng, được các vi sinh vật phân hủy tạo ra hỗn hợp các khí như NH3, H2S, NO2, CO, CO2... gây nên mùi tanh, khai đặc trưng hay gọi là mùi sinh cảnh. Một hang động hay một nhà yến có chim yến sống đông đúc thì mùi này càng đặc trưng khi bước vào cửa. Tuy nhiên, phân chim yến mới thải ra ẩm ướt mới có mùi này, phân cũ sau vài tuần không còn mùi đặc trưng này nữa. Đây là mùi đặc trưng và quen thuộc của bầy đàn yến, giúp chim yến có được sự yên tâm rằng đây là nhà của mình để ở lại và làm tổ. Lợi dụng tập tính này nên khi xây dựng nhà yến, ngoài âm thanh thì yếu tố thứ 2 cần quan tâm đó là tạo mùi sinh cảnh cho nhà yến mới giống như những hang động hoặc nhà yến cũ đã có nhiều chim yến.
Tạo mùi cho nhà yến hiện nay có nhiều kỹ thuật, thường sử dụng nhất là lấy phân tự nhiên của chim yến từ hang động hoặc từ những nhà yến có nhiều chim yến đưa vào trong nhà yến mới. Cách làm này có ưu điểm là mùi sinh cảnh tự nhiên của chim yến nên rất thích hợp để chim làm quen nhà và yên tâm ở lại. Tuy nhiên, lượng phân chim đưa vào phải là phân chim mới thải ra, số lượng cần nhiều và phải bổ sung liên tục sau khoảng vài tuần vì để lâu phân hết tác dụng tạo mùi, bổ sung như vậy đến khi nào chim vào ở lại trong nhà được một số lượng nhất định thì không cần bổ sung nữa. Để có được lượng phân mới, nhiều và bổ sung thường xuyên như vậy cũng khá khó khăn và tốn kém trong giai đoạn hiện nay, chưa kể đến việc các sinh vật gây hại, mầm bệnh theo phân chim yến này để đi vào nhà yến mới. Lưu ý là khi dùng phân chim yến tự nhiên đưa vào nhà yến chỉ giữ ẩm mới tạo mùi sinh cảnh quen thuộc cho chim yến. Ngâm phân với nước như nhiều người vẫn làm thì không còn tác dụng tạo mùi sinh cảnh thích hợp vì phân chim bị thủy phân sẽ cho ra các mùi lạ khác, không giống như mùi khai khi vi sinh vật phân hủy tự nhiên. Các nước trong khu vực như Malaisia, Indonesia, Thái Lan từ lâu đã không cho sử dụng phân yến tự nhiên để tạo mùi cho các nhà yến mới vì vấn đề vệ sinh dịch tễ và ô nhiễm môi trường. Những nhà yến đã có nhiều chim thì phân chim yến cần phải thu dọn hàng tuần, nếu tồn đọng nhiều và lâu ngày trong nhà yến mà không có biện pháp xử lí sẽ là môi trường cho mầm bệnh phát sinh.
Để khắc phục những hạn chế trên, nhiều cá nhân và công ty kỹ thuật nuôi yến đã chế tạo ra các sản phẩm tạo mùi sinh cảnh nhân tạo từ sự lên men các chất dinh dưỡng có trong cơ thể côn trùng, xác động vật, mỡ cá, trùn biển…vv, để dẫn dụ chim yến cho các nhà yến. Các sản phẩm này chủ yếu có nguồn gốc từ Malaisia, Indonesia và Việt Nam cũng có một số sản phẩm trên thị trường. Các mùi sinh cảnh nhân tạo này khi sử dụng cũng có chim yến vào ở lại và làm tổ nhưng cũng chưa khẳng định được hiệu quả rõ rệt là mùi chim ưa thích. Việc sử dụng các mùi nhân tạo cũng theo kinh nghiệm của những người nuôi yến lâu năm và khuyến cáo của nhà sản xuất, chưa có quy chuẩn rõ ràng trong việc sử dụng các mùi này hay ảnh hưởng đến môi trường xung quanh của nó. Việc sử dụng mùi nhân tạo này cũng phải thường xuyên, bổ sung liên tục trong giai đoạn đầu, đến khi trong nhà đã có một số lượng chim yến vào ở lại nhất định thì ngừng bổ sung.
Trên thị trường hiện nay có đến hơn 30 loại chất tạo mùi sinh cảnh để dẫn dụ chim yến cho các nhà yến, tuy nhiên cần cân nhắc kỹ khi sử dụng vì có thể không mang lại hiệu quả như mong muốn, thậm chí có thể làm chim yến bỏ đi.
Thanh làm tổ
Chim yến lần theo các tín hiệu của âm thanh để vào nhà yến, cùng với mùi sinh cảnh dẫn dụ, nếu cảm thấy thấy thích hợp thì nhiều chim sẽ ở lại (chủ yếu là chim yến tơ). Khi ở lại trong nhà chim yến sẽ lựa chọn một vị trí thích hợp để đu bám và làm tổ trên các thanh làm tổ. Có nhiều loại vật liệu được sử dụng làm thanh làm tổ mà chim yến có thể đu bám được, phổ biến nhất là các loại ván gỗ chuyên dụng cho nhà yến như meranit, bạch Tùng, mít nài, giẻ đỏ, trâm vàng, xoan... Một số nhà sử dụng lam xi măng hay lam đá tự nhiên để chim yến đu bám và làm tổ. Kết quả nghiên cứu ban đầu của chúng tôi nhận thấy mỗi loại vật liệu làm thanh làm tổ đều có những ưu, nhược điểm riêng. Giá thành tổ yến trên thị trường hiện nay rất khác nhau phụ thuộc vào nguồn gốc xuất xứ của tổ yến, sự tin dùng lâu năm của người sử dụng và một phần cũng bị chi phối bởi vật liệu được sử dụng làm thanh làm tổ trong nhà yến.
Ván gỗ chuyên dụng dùng cho nhà yến.
Lam làm từ gỗ thì lắp đặt nhẹ, giá thành tùy loại gỗ nhưng cũng khá cao, chim ưu thích đu bám và làm tổ nhanh. Trên lam gỗ, màu sắc tổ thường trắng sáng, hình dạng và kích thước tổ không căng tròn, không được ưa chuộng nhiều nên giá thành thường thấp (giá bán bằng khoảng ¼ giá bán tổ yến đảo). Kết quả khảo sát còn cho thấy độ cứng và bề rộng của ván gỗ khác nhau thì hình dạng, kích thước và khối lượng tổ yến có sự sai khác rõ. Trên ván gỗ tổ thường bị hút nước mạnh hơn các vật liệu khác, nhiều tổ hay bị nhăn nhúm, cong vênh, nhìn không đẹp, gỗ cứng hơn thì tổ đẹp hơn.
Một số nhà yến sử dụng thanh lam đúc bằng xi măng để chim đu bám. Kết quả cho thấy chim vẫn đu bám và làm tổ bình thường, giá thành thấp nhưng lắp đặt nặng hơn. Đặc biệt chân tổ thường lẫn tạp chất của vôi vữa khi thu hoạch tổ, khó gia công, thị trường cũng không ưa chuộng. Tổ trên lam xi-măng cũng giống như trên gỗ, không giống hình dạng tổ yến đảo nên giá bán cũng không cao.
Lam đá tự nhiên được nhiều nhà yến sử dụng, đặc biệt là nhà yến khu vực miền Trung như Quảng Nam, Đà Nẵng. Trên lam đá này thì tổ yến to tròn hơn, rất giống tổ yến đảo, được ưa chuộng (đặc biệt là thị trường nước ngoài) nên giá bán cũng khá cao (bằng 1/3-1/2 giá tổ yến đảo). Lam đá chẻ thì giá thành vẫn rẻ hơn lam gỗ và lắp đặt cũng không khó, tuy nhiên trong giai đoạn đầu chim vào làm tổ sẽ chậm hơn lam gỗ vì chim chưa quen với bề mặt của đá, sau thời gian thì chim vẫn phát triển bình thường. Ngoài ra, ưu điểm lớn của lam đá tự nhiên là không bị mối mọt hay nấm mốc. Đá chọn làm lam thường là đá xanh, đá vôi mô phỏng theo đá các đảo yến tự nhiên, chẻ miếng quy cách dày khoảng 1,5 cm, rộng 15 - 20cm, dài 60 cm, bề mặt để nhám hay kẻ một số rãnh nhỏ để chim dễ bám.
Theo Ban Quản lý và Khai thác yến Cù Lao Chàm, Hội An (tài liệu Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp)