Nghề cào bắt ốc cườm chỉ mới xuất hiện khoảng 2 năm nay tại các vùng ven biển Nghệ An. Có mặt tại bãi biển xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu), chứng kiến nhiều ngư dân đang tập trung từng nhóm 2 - 3 người để cào bắt ốc cườm.
Ngư dân Hồ Văn Tình ở xã Quỳnh Lương cho biết, liên tục từ tháng 5 đến nay, ngày nào anh cũng ra biển để cào bắt loại ốc này.
Xác định được thủy triều lên xuống, ngư dân săn được từ 3 – 5 tạ mỗi ngày, thu về tiền triệu. Ảnh: Việt Hùng
“Lúc nào thủy triều xuống khoảng 2/3 bãi triều là thuận lợi cho việc cào ốc cườm. Chúng tôi chia nhau mỗi người một công việc, người thì cào ốc, còn người ở phía trên sàng đãi, chọn lọc những con to để cho vào bao. Khi nào thủy triều lên là chúng tôi ra về. Toàn bộ ốc cườm sẽ được nhập cho đầu mối, có ngày thu hơn 1 triệu đồng, bình quân từ 500.000 - 700.000/ngày” - ngư dân Tình cho hay.
Dụng cụ cào bắt ốc cườm được ngư dân tự chế bằng chiếc khung hình chữ nhật và đi thụt lùi để cào bắt. Ảnh: Việt Hùng
Dụng cụ của ngư dân săn ốc cườm rất đơn giản, họ chế thanh lưỡi thép thành khung hình chữ nhật có chiều dài 60 cm, rộng 30 cm; sau đó gắn một túi lưới theo hình khung dài khoảng 3 - 4 m. Khi ra mép biển, họ cầm dụng cụ này đi thụt lùi rồi cào xuống lớp cát, toàn bộ ốc sẽ lọt vào lưới, đến khi nặng lưới sẽ đưa lên bờ.
Ốc cườm rửa sạch cho vào nồi hấp gừng với lá chanh, sau đó đãi lấy ruột chế biến làm món ăn phù hợp vào mùa hè. Ảnh: Việt Hùng Ốc cườm sau khi gỡ ruột, được chế biến bằng nhiều cách như rang sả ớt, lá chanh ăn kèm với bánh đá, món ăn này rất thích hợp vào mùa hè.
Ngư dân Nguyễn Văn Hưng ở xã Quỳnh Bảng làm nghề này cho biết, nghề này đòi hỏi ngư dân phải nắm được việc thủy triều lên xuống từng giờ; nếu thủy triều lên cao thì không thể cào được mà khi thủy triều xuống quá thấp càng khó hơn.
Ốc cườm hay còn gọi là ốc gạo chỉ nhỏ bằng chiếc cúc áo và xuất hiện quanh năm, nhưng nhiều nhất từ tháng 11 đến hết tháng 3 âm lịch của năm sau.
Mỗi ngày ngư dân Nghệ An săn được hàng tấn ốc cườm nhập cho nhà hàng với giá 7.000 đồng/kg. Ảnh: Việt Hùng
Sản phẩm ốc cườm đánh bắt được sẽ nhập cho các đầu mối lớn ở thành phố Vinh, ra tỉnh Thanh Hóa với giá 7.000 - 10.000 đồng/kg.