Ruốc thường có ở dọc bờ biển và ven gành đá, nên người dân nơi đây chủ yếu chỉ đánh bắt gần bờ. Mới vào đầu vụ 2012 nhưng ở Nhơn Lý không khí đã nhộn nhịp và sôi động, hứa hẹn một mùa ruốc bội thu.
Xã Nhơn Lý có năm thôn, nhưng nghề đánh bắt ruốc chỉ tập trung ở ba thôn: Lý Minh, Lý Chánh và Lý Hòa. Người dân thôn Lý Minh và Lý Chánh chỉ đánh bắt ruốc ven mé gành, cả ban đêm và ban ngày, chủ yếu ở Hang Dài và Bầu Đựng. Còn ở thôn Lý Hòa thì chuyên đánh ruốc ban ngày, dọc các bãi ngang từ xã Nhơn Lý đến xã Cát Tiến, Cát Hải và cửa Đề Gi (huyện Phù Cát) bằng tàu thuyền có công suất lớn.
Sau khi chuyển ruốc từ biển vào, phụ nữ vội vàng mang đi bán cho các cơ sở chế biến
Ông Trình Văn Hảo (62 tuổi, ở thôn Lý Hòa) cho biết trong các loại nghề ở xã Nhơn Lý thì nghề đánh ruốc bãi ngang là khó nhất, bởi con ruốc nằm ở độ sâu 5-7m so với mặt nước biển rất khó phát hiện. Nhiều chủ nghề mời những người dù cao niên nhưng có kinh nghiệm nhìn “màu ruốc” cùng đi biển để giúp họ đánh bắt.
Ruốc được vớt sang thúng để chuyển nhanh vào bờ
Ngư dân ở địa phương cho hay mùa ruốc năm nay trúng hơn năm trước và giá ruốc cũng cao nên cả chủ lẫn người làm đều có lợi. Giá mỗi két (10-13kg) ruốc tươi 220.000-260.000 đồng. Cá biệt, có ghe nghề trong một đêm trúng đậm hơn 10 triệu đồng.
Niềm vui trúng được mẻ ruốc
Vào mùa ruốc, ở Nhơn Lý ai cũng tất bật công việc, thôn xóm tràn đầy niềm vui với cuộc sống của xã bán đảo ven biển này.
Để tìm ruốc, những người đàn ông phải bơi lặn suốt ngày dưới làn nước lạnh của biển
Dầm trong mưa lạnh, ngư dân vẫn miệt mài săn ruốc
Cơ sở chế biến ruốc luôn tất bật công việc. Ở đây có ba loại: luộc tươi, phơi khô nguyên con và làm mắm