Mực được giá
Theo các chủ vựa mực khô ở chợ Sông Đốc và chợ Cà Mau, khác với loại mực xà to con thường khai thác ở vùng biển nước sâu ngoài miền Trung hiện còn tồn đọng, các loại khô mực các loại ở vùng biển phía Nam như: Mực ống, mực nang, mực lá, mực tua (bạch tuộc) cho chất lượng khô ngon, ngọt; màu khô sáng, tươi nên được thị trường nội địa và xuất khẩu đều tiêu thụ rất tốt.
Tại Cà Mau, Kiên Giang có loại khô mực thông dụng chiếm số lượng nhiều nhất là từ mực ống hiện giữ giá cao ngất, loại 1 giá 600.000 đ/kg, loại 2 giá 400.000 đ/kg, tăng bình quân 20.000 đ/kg so cùng kỳ năm 2018.
Loại mực này xuất khẩu không phụ thuộc vào mỗi thị trường Trung Quốc, do thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và EU đang rất ưa chuộng, không đủ bán. Bên cạnh còn có mực lá, nhưng số lượng đánh bắt ít nên chủ yếu làm khô phơi một nắng bán chợ nội địa, giá khoảng 500.000 đ/kg. Trong khi tồn đọng duy nhất hiện thời là sản phẩm ruốc sấy khô.
Ruốc khô tồn đọng
Trước đây, khô ruốc xuất chủ yếu sang Trung Quốc nhưng nay đột ngột thị trường nầy ngưng “ăn hàng”, kéo giá ruốc tươi giảm từ 16.000-17.000 đ/kg trước đây xuống còn 7.000-8.000 đ/kg. Trong khi đó hiện thời mùa gió Nam, tùy theo chuyến biển trúng-thất.
Chuyến biển vừa qua mặt hàng cá biển như cá ngừ, cá bạc má, ba thú…sản lượng đánh bắt không nhiều, do đó giá cá tại các chợ nội địa trong vùng tăng từ 23.000 đ/kg lên 33.000 đ/kg. Cá biển, hàng chợ Cà Mau, Kiên Giang chuyển về Sài Gòn giá lên 35.000-50.000 đ/kg, tăng trên 10.000-15.000 đ/kg tùy theo loại cá.
Giá cá tra vẫn tiếp tục giảm
Theo nhiều hộ nuôi cá tra ở Đồng Tháp thì hiện cá giống (20 ngày tuổi) giá từ 16.000 - 18.000 đồng/kg (kích cỡ 2.500 – 2.600 con/kg); từ 18.500 - 20.000 đồng (kích cỡ 2.000 – 1.800 con/kg)… giảm từ 3.000 - 4.000 đồng/kg.
Cá bột giống (loại 24 giờ) cũng giảm một nửa so với thời điểm trước, chỉ còn 30.000 đồng/10.000 con. Với mức giá trên và ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh làm hao hụt con giống thì hộ nuôi chắc chắn thua lỗ.