Bí ẩn từ tên gọi đến ngoại hình
Mực ma cà rồng (tên khoa học: Vampyroteuthis infernalis) là một thành viên trong lớp động vật chân đầu được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1903. Đây là loài động vật chân đầu duy nhất có quan hệ họ hàng với cả bạch tuộc và mực.
Nguồn gốc tên gọi mực ma cà rồng khởi phát từ cặp mắt màu đỏ và cơ thể màu đỏ sậm cùng lớp màng giống áo choàng giữa 8 xúc tu. Nhờ ngoại hình sẫm màu dưới màn đêm u tối nơi đại dương mà chúng đã nhiều lần thoát khỏi tầm mắt của động vật săn mồi.
Loài mực này là một trong những sinh vật biển ưa thích đời sống đơn độc ở những nơi có mật độ oxy khá thấp và tăm tối tại vùng biển ôn đới và nhiệt đới trên hành tinh với độ sâu từ khoảng 610m đến 914m. Điều này được lý giải rằng vì mực ma cà rồng không cần nhiều dưỡng khí nên chúng có thể sống trong những vùng nước có nồng độ oxy thấp.
Ngoại hình của động vật chân đầu này làm người ta liên tưởng đến ma cà rồng
Đặc biệt, mực ma cà rồng cũng được cho là cấu tạo thích nghi hoàn hảo trong môi trường có nhiệt độ thấp và lượng oxy giảm bởi chúng có lực nổi trung tính, tốc độ trao đổi chất chậm và hệ thống thu thập oxy từ nước.
Xét về hình dáng, mực ma cà rồng có vẻ khá giống với mực, nhưng thực chất chúng lại có quan hệ gần gũi hơn với bạch tuộc. Do đó, thời điểm đầu khi mới được phát hiện, các nhà khoa học đã xếp chúng vào họ bạch tuộc.
Chiều dài cơ thể tối đa của chúng là khoảng 30cm, có 8 xúc tu thay vì 10 cái và hai sợi dài mảnh dùng - bộ phận không hề tồn tại ở động vật chân đầu khác để kiếm ăn.
Tuổi thọ của mực ma cà rồng dài hơn họ hàng của chúng là mực hay bạch tuộc khá nhiều, chỉ tính giai đoạn trưởng thành của mực ma cà rồng đã là khoảng 8 năm.
Những khả năng kỳ lạ của “hóa thạch sống”
Không chỉ sở hữu nhiều đặc điểm ở ngoại hình khiến người ta khiếp sợ mà mực ma cà rồng còn có một số khả năng kỳ lạ hệt như một sinh vật đến từ hành tinh khác.
Với kích thước cơ thể khiêm tốn, nhưng mực ma cà rồng lại có cặp mắt lớn bất thường có đường kính trung bình là 2,5cm, tức là gần bằng kích thước mắt của một con chó cỡ to. Đôi mắt này còn có thể biến đổi màu thành đỏ hay xanh dương tùy thuộc vào điều kiện ánh sáng.
Bên cạnh đó, màu sắc cơ thể chúng cũng thay đổi liên tục từ màu đen tới đỏ nhạt tùy môi trường bởi chúng có khả năng điều khiển các cơ quan có tên là photophore để tạo ra những chớp sáng trong khoảng thời gian từ vài phần trăm giây cho tới nhiều phút.
Mực ma cà rồng có thể “biến hình” tùy vào điều kiện môi trường
Một đặc điểm thú vị ở mực ma cà rồng đó là chúng sử dụng các lông trên xúc tu tiết ra chất nhầy để kiếm mồi bằng cách hút những thứ chìm xuống đáy biển như tuyết biển, trứng, ấu trùng, xác, phân và dịch nhầy của những động vật biển. Có thể thấy, hành vi kiếm ăn này của mực ma cà rồng hoàn toàn khác biệt với những động vật chân đầu khác bởi chúng không săn mồi sống.
Không hổ danh là động vật chân đầu sở hữu nhiều khả năng kỳ lạ, các nhà nghiên cứu còn ghi nhận chu kỳ sinh sản của mực ma cà rồng dài gấp nhiều lần các loài mực và bạch tuộc khác. Cụ thể, chu kỳ sinh sản của chúng có thể lặp lại đến hơn 20 lần trong một vòng đời.
Dù loài mực kỳ lạ này phân bố tương đối rộng ở các đại dương; song, những thông tin về chúng lại rất ít ỏi. Điều thu hút giới nghiên cứu mạnh mẽ nhất xuất phát từ việc mực ma cà rồng là thành viên còn sống duy nhất được biết tới ở bộ mực quỷ Vampyromorphida. Trên thực tế, nhiều loài Vampyromorphida tuyệt chủng đã được phát hiện, trên cơ sở nghiên cứu những sinh vật đó, các nhà khoa học cho rằng chúng là thành phần chính của các cộng đồng đại dương thời tiền sử.
Thoạt nghe tên gọi của mực ma cà rồng, nhiều người sẽ nghĩ chúng rất nguy hiểm; tuy nhiên, sinh vật này không hề hút máu của động vật và cũng không nguy hiểm đối với người. Thậm chí, chúng còn giúp đại dương trở nên sạch hơn.