Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Hồng Ngự, năm nay, nước lũ về sớm hơn năm trước khoảng 20 ngày và mực nước cao hơn khoảng 1m.
Tận dụng thời gian nông nhàn nhằm cải thiện thu nhập, gia đình ông Trần Văn Hòa ngụ ấp Trung, xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự tranh thủ nuôi 7 bồn lươn, khoảng 2.500 con. Ông Hòa cho biết: “Để lươn sống khỏe và lớn nhanh, tôi mua cá, ốc bươu vàng làm thức ăn. Thời điểm nước rút cũng là lúc thu hoạch lươn. Tùy theo mùa mực nước cao hay thấp, cuối vụ thu hoạch, lợi nhuận từ 8 - 10 triệu đồng”.
Tương tự, gia đình bà Lê Thị Keo ngụ xã Thường Thới Tiền thả nuôi hơn 1.500 con lươn giống. Thời gian rảnh, bà đi bắt ốc bươu vàng, cá làm thức ăn cho lươn. Bà Keo cho biết: “Vụ này tôi không sạ lúa vụ 3 mà mua lươn giống về nuôi, hy vọng có thêm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống, lo cho các con đi học”.
Ông Phạm Thành Nhi - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hồng Ngự cho biết: “Năm nay nước lũ về sớm và cao hơn mọi năm, nên các mô hình sản xuất trong mùa nước nổi của người dân cũng nhộn nhịp hơn. Thời điểm này, đa số các diện tích không sản xuất lúa vụ 3, nông dân tận dụng lúc nông nhàn để triển khai nhiều mô hình sinh kế thay thế”.
Còn tại huyện Tân Hồng, theo Phòng NN&PTNT huyện, năm nay, mực nước cao hơn so với năm 2016 khoảng 87cm. Người dân tranh thủ ra đồng giăng lưới bắt tôm, cá. Song, dù lũ về sớm và được đánh giá lớn “bất thường” so với nhiều năm qua, nhưng tôm cá theo con nước về đã vơi hẳn...
Bắt đầu câu chuyện mùa lũ, ông Lê Văn Hiên ngụ xã Tân Thành B, huyện Tân Hồng cho xem thùng đựng cá rồi nói: “Đã cuốn 2 luồng lưới nhưng chỉ được vài ký cá. Cá không chỉ nhỏ mà còn ít nữa... nên bà con sống nghề câu lưới năm nay khó khăn lắm. Đánh bắt thủy sản ở đồng nhà chỉ đủ ăn, sau một ngày dầm mưa đội nắng giăng câu, thả lưới chỉ đong được vài ký gạo”.
Đang thả mấy luồng lưới, ông Trần Văn Tý ngụ xã Tân Thành B cho biết thêm: “Nghe nói lũ về sớm và cao hơn mọi năm, cứ ngỡ cá sẽ về nhiều. Nhưng thực tế, lượng cá về chỉ xấp xỉ bằng 20% so với thời điểm năm 2013. Với những người có tiền, có xuồng lớn và máy nổ, bà con sang đồng Campuchia đóng thuế rồi đánh bắt cá, may ra có tiền dư. Bởi vậy chúng tôi không mong lũ lớn, chỉ mong tôm cá nhiều như trước đây là vui nhất”.
Mùa nước năm nay những người sống bằng nghề hái hẹ nước, bông điên điển, bông súng cũng lo lắng khi không còn được thiên nhiên ưu đãi như xưa. Bà Đặng Thị Phượng ở xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười bộc bạch: “Tôi lớn tuổi, thường xuyên đau ốm nên không thể đi làm thuê được. Vì vậy, mùa nước nào tôi cũng đi hái bông điên điển, hẹ nước về bán dọc Quốc lộ N2. Vậy mà năm nay, tôi hái cả ngày kiếm chưa được 70.000 đồng”.
Ngày nay, mưu sinh mùa nước nổi không chỉ đánh bắt cá mà người dân còn nhạy bén dựa vào lũ để tổ chức sản xuất những loại cây, con phù hợp trong từng thời điểm. Vì vậy, sản xuất trong mùa nước nổi đã trở thành tập quán canh tác mang tính “năng động” của người dân vùng biên giới.