“Tất cả chúng ta có thể đang ăn một sản phẩm do nô lệ thực hiện mà không biết. Nhưng một khi đã biết, tôi cho rằng chúng ta phải có nghĩa vụ đạo đức để ra quyết định cá nhân về việc tẩy chay sản phẩm đó”, nghị sĩ Chris Smith, thành viên Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ phản ứng trước thông tin điều tra của AP.
Chủ tịch tổ chức phi chính phủ vận động nhân quyền và dân chủ Freedom House (Mỹ) Mark Lagon nói: “Đây không phải vấn đề lương thấp hay các điều kiện lao động tệ hại… Đây là sự lạm dụng trắng trợn đồng loại. Người Mỹ không ủng hộ việc này.”
Theo điều tra của AP, tại nhà máy chế biến tôm Gig Peeling Factory ở tỉnh Samut Sakhon, Thái Lan, gần 100 lao động nhập cư người Myanmar, trong đó có 17 trẻ em bị chủ lao động ép lột vỏ tôm 16 tiếng đồng hồ mỗi ngày nhưng chỉ được trả công bèo bọt hoặc thậm chí không trả. Nhiều người trong số họ bị nhốt tại các xưởng chế biến trong nhiều tháng, thậm chí hàng năm trời.
Eae Hpaw, 16 tuổi, một lao động tại đây cho biết: “Họ không cho chúng tôi nghỉ ngơi. Chúng tôi phải dậy lúc 3 giờ sáng rồi làm việc liên tục. Chúng tôi chỉ được nghỉ lúc 7 giờ tối, rồi tắm rửa và ngủ để bắt đầu trở lại công việc vào sáng sớm hôm sau”.
Các lao động chỉ được phép nghỉ ăn trưa 15 phút và sẽ bị la mắng nếu nói chuyện quá nhiều trong khi làm việc. Thậm chí ngay cả khi bị ốm, họ cũng bị bắt làm việc.
Hai vợ chồng anh Tin Nyo Win lột khoảng 80 kg tôm một ngày nhưng chỉ được trả 4 đô la Mỹ, chỉ bằng một nửa so với lời hứa hẹn trước đó. Sau khi phải trả tiền mua găng tay và ủng cao su cũng như phí lau dọn hàng tháng, họ gần như không còn dư đồng nào.
Các phóng viên AP đã lần theo các xe tải chở đầy tôm đã lột vỏ từ nhà máy chế biến tôm của Gig Peeling Factory đến các công ty xuất khẩu tôm của Thái Lan, bao gồm một công ty con của tập đoàn chế biến hải sản Thai Union, rồi sau đó sử dụng dữ liệu của hải quan Mỹ để theo dõi đường đi của các sản phẩm tôm này trên toàn cầu. Họ phát hiện các sản phẩm tôm của Gig Peeling Factory đã theo các kênh cung cấp để đến các siêu thị và cửa hàng thực phẩm lớn của Mỹ như Wal-Mart, Kroger, Whole Foods, Dollar General và Petco cũng như các chuỗi nhà hàng lớn như Red Lobster và Olive Garden.
Tình trạng bóc lột lao động xảy ra phổ biến ở Samut Sakhon. Một báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ước tính có 10.000 trẻ em nhập cư từ 13-15 tuổi đang làm việc tại đây, chủ yếu trong ngành công nghiệp chế biến hải sản.
Sau khi điều tra của AP được đăng tải, tập đoàn Thai Union ra tuyên bố tình trạng lạm dụng lao động nhập cư trong ngành công nghiệp chế biến hải sản là không thể chấp nhận. CEO của Thai Union, ông Thiraphong Chansiri, cho biết công ty con của tập đoàn này đã chấm dứt giao dịch với một nhà cung cấp bị nghi ngờ bóc lột người lao động. Ông thừa nhận mặc dù kiểm tra thường xuyên nhưng rất khó bảo đảm các nhà chế biến bên ngoài tuân thủ các quy định lao động. Ông cam kết bắt đầu từ năm 2016, tập đoàn Thai Union chỉ sử dụng lao động do tập đoàn quản lý.