Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã ban hành lệnh liên bang yêu cầu kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu cá sống, trứng đã qua thụ tinh, giao tử từ các loài cá có thể mang mầm bệnh TiLV để ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào Mỹ.
Thứ tự nhạy cảm với mầm bệnh TiLV như sau:
- Cá rô phi (Oreochromis niloticus)
- Cá rô phi lai (Oreochromis niloticus x Oreochromis aureus)
- Cá rô phi đỏ/ cá diêu hồng (Oreochromis spp.)
- Cá rô phi Mango (Sarotherodon galilaeus)
Lệnh mới yêu cầu tất cả các lô hàng nhập khẩu cá sống, trứng được thụ tinh và giao tử từ các loài cảm nhiễm với virus TiLV phải có giấy phép nhập khẩu USDA, giấy chứng nhận sức khỏe và kiểm tra thú y chính thức của Hiệp hội Nuôi trồng Thủy sản Hoa Kỳ.
Mỹ vừa là thị trường nhập khẩu lớn đồng thời cũng đang phát triển ngành nuôi cá rô phi. Trong năm 2018, Mỹ nhập khẩu 188.644 tấn cá rô phi, với 75% trong số đó là từ Trung Quốc và đã xuất khẩu 1.738 tấn cá rô phi, phần lớn sang Canada, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Vào 3/2019, Hiệp hội Nuôi trồng thủy sản Hoa Kỳ phát hiện virus TiLV nhưng sau đó nhanh chóng tuyên bố đã dập được dịch. Hiện tại vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa cũng như phương pháp điều trị hiệu quả bệnh do virus TiLV gây ra trên cá rô phi. Trong bối cảnh virus TiLV đang tấn công các trang trại và có nguy cơ bùng phát thành dịch tại các quốc gia nuôi cá rô phi, Mỹ lo lắng dịch TiLV có thể sẽ quay lại nước này qua cá rô phi nhập khẩu mang mầm bệnh.
Trước mối đe dọa từ TiLV thì lệnh liên bang yêu cầu siết chặt nhập khẩu cá rô phi như một hàng rào Mỹ dựng lên nhằm bảo vệ ngành công nghiệp sản xuất cá rô phi của mình. Tất nhiên, với một thị trường lớn như Mỹ thì lệnh mới này sẽ ảnh hưởng đến nhiều quốc gia xuất khẩu cá rô phi, trong đó có Việt Nam khi Mỹ là thị trường nhập khẩu cá rô phi lớn nhất của nước ta, chiếm 19% tỷ trọng (2018).
Theo Intrafish.