Để thực hiện điều này, Tổng cục Thủy sản yêu cầu các đơn vị tập trung hiện đại hóa và nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản, giảm tổn thất sau thu hoạch. Song song với đó, ngành tiếp tục triển khai việc chứng nhận, xác nhận thủy sản khai thác xuất khẩu vào thị trường châu Âu, kết hợp với tăng cường kiểm tra xuất xứ sản phẩm khai thác thủy sản. Các mô hình sản xuất trên các vùng biển sẽ được nhân rộng thông qua các tổ đội sản xuất trên biển, các nghiệp đoàn nghề cá…
Đối với nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản tăng cường kiểm tra chất lượng giống đối với các đối tượng nuôi chủ lực như cá tra, tôm…; đồng thời đánh giá phân loại các cơ sở sản xuất giống, thức ăn tại các vùng trọng điểm. Công tác quản lý thức ăn thủy sản cũng được phân cấp cho các địa phương để kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh, kiểm tra chất lượng thức ăn nhập khẩu, giám sát khảo nghiệm. Để loại trừ các yếu tố gây giảm chất lượng và chi phí sản xuất, ngành thúc đẩy liên kết giữa các hội nuôi thủy sản với hội tôm giống, các nhà sản xuất thức ăn …
Một vấn đề quan trọng là ngành sẽ triển khai quyết liệt việc kiểm tra thực hiện quy phạm thực hành nuôi tốt (VietGAP) nhằm đáp ứng yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường nuôi và đa dạng sinh học. Cùng với đó, Tổng cục Thủy sản sẽ xây dựng kế hoạch dài hạn cho hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, cũng như triển khai các nội dung ký kết với các nước, đặc biệt là khu vực ASEAN và châu Phi về hợp tác thủy sản.
Trong năm 2012, Tổng cục Thủy sản đề ra chỉ tiêu tổng sản lượng khai thác thủy sản đạt khoảng 5,37 triệu tấn; trong đó nuôi trồng thủy sản 3,15 triệu tấn, khai thác 2,2 triệu tấn thủy sản. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản phấn đấu đạt khoảng 6,5 tỷ USD, tăng 5% so với năm trước.