Tiếp nối lạm phát kinh tế của năm 2022, sang năm 2023, diễn biến kinh tế chưa ổn định vẫn còn tại nhiều thị trường trên thế giới. Điều này làm cho sức tiêu thụ thủy sản suy giảm trong đó có sự sụt giảm của sản phẩm cá ngừ Việt Nam.
Trong bối cảnh các thị trường lớn nhập khẩu cá ngừ Việt Nam có sự biến động, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá ngừ chuyển hướng sang khai thác tiềm năng từ các thị trường nhỏ.
Đột phá thị trường nhỏ
Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, xuất khẩu cá ngừ trong tháng 2/2023 vẫn tiếp tục giảm so với cùng kỳ 2022 là 13%, bước sang tháng 3/2023 vẫn chưa có dấu hiệu lạc quan, ước tính kim ngạch xuất khẩu cá ngừ trong 3 tháng năm 2023 đạt hơn 160 triệu USD.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang nhiều thị trường chính trong tháng này đã có sự tăng trưởng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nguyên nhân của sự tăng trưởng này phần lớn là do tháng 2/2023 rơi vào thời điểm Tết nên kim ngạch xuất khẩu thấp.
Hiện sự chênh lệch tỷ giá đang khiến cho các sản phẩm của Việt Nam đang có giá cao hơn so với các nước đối thủ tại các thị trường nhập khẩu lớn như châu Âu, Mỹ…
Bên cạnh đó, giá cá ngừ nguyên liệu trên thị trường thế giới từ cuối năm ngoái tới nay đang có xu hướng ngày càng tăng cao, khiến cho các nhà nhập khẩu trì hoãn các đơn hàng để chờ giá giảm.
Giá cá ngừ nguyên liệu trên thị trường thế giới từ cuối năm ngoái tới nay đang có xu hướng ngày càng tăng cao
Tất cả các điều này đang khiến cho xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang các thị trường giảm so với cùng kỳ.
Theo bà Nguyễn Hà, chuyên gia ngành cá ngừ, thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, nhận định xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam vẫn tiếp tục sụt giảm mạnh trong những tháng tới. Còn tại khối thị trường các nước tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mặc dù xuất khẩu cá ngừ sang Nhật Bản và Mexico trong tháng 2/2023 rất khả quan đạt lần lượt 28% và 194% so với cùng kỳ, nhưng sự tăng trưởng này vẫn không đủ bù đắp lại lượng sụt giảm xuất khẩu sang thị trường lớn nhất trong khối trong thời gian qua là Canada.
Tính riêng trong tháng 2/2023, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này giảm tới 81%, chỉ đạt gần 800 nghìn USD. Chính sự sụt giảm sang thị trường này đã ảnh hưởng tới kết quả xuất khẩu sang khối thị trường CPTPP.
Trong khi khối thị trường lớn có sự sụt giảm, thì các doanh nghiệp đã lấn sân sang các thị trường nhỏ, để mở đường cho con cá ngừ Việt Nam phát triển.
Bà Nguyễn Hà cho hay trong tháng 2/2023 xuất khẩu cá ngừ sang khối thị trường châu Âu tăng 59% so với cùng ký năm 2022, đạt gần 14 triệu USD, dự kiến trong quý 1/2023 có thể đạt hơn 33 triệu USD.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng riêng lẻ này vẫn không đủ bù đắp lại lượng sụt giảm trong tháng 1 nên vẫn giảm 5% so với cùng kỳ. Trong khi đó, thị trường ngách là Đức, Hà Lan và Tây Ban Nha đều tăng trưởng cao lần lượt là 77%, 372% và 58%.
Ngoài thị trường châu Âu, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Israel, Thái Lan và Nga cũng đang có sự tăng trưởng ấn tượng trong tháng 2/2023 lần lượt là 131%, 55% và 255%.
Bên cạnh đó, sự suy giảm nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường lớn đang khiến các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ chuyển dịch sang khai phá các thị trường nhỏ tiềm năng như Hàn Quốc tăng 525%, Anh tăng 182% hay Australia tăng 104%, Phần Lan tăng 654%, Algeria tăng 363%.
Kỳ vọng vào thời điểm cuối năm
Với diễn biến xuất khẩu cá ngừ hiện nay, việc vực dậy con cá ngừ tại các thị trường lớn cần một khoảng thời gian để xem xét và điều chỉnh.
Chế biến cá ngừ đông lạnh xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Mỹ và châu Âu
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho biết mặc dù các mặt hàng cá ngừ sụt giảm, nhưng mã hàng HS16 (trong đó chủ yếu loin cá ngừ hấp đông lạnh) vẫn giữ được thế nhập khẩu khả quan. Nhóm mặt hàng thịt/loin cá ngừ đông lạnh mã HS0304 giảm mạnh nhất 55%, còn xuất khẩu các mặt hàng cá ngừ tươi/đông lạnh và khô giảm 54% và cá ngừ đóng hộp giảm 46%.
Nhận định về thị trường cá ngừ những tháng đầu năm 2023, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản cho rằng lạm phát cao, thói quen của người tiêu dùng thay đổi, chú trọng hơn vào những sản phẩm có giá rẻ hơn.
Ngoài ra chi phí đầu vào đánh bắt vẫn cao, chưa gỡ được “Thẻ vàng IUU”; chi phí nhiên liệu cho khai thác thủy sản... vẫn là những trở ngại cho ngành cá ngừ.
Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang các thị trường có ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) đang rất khả quan.
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam kỳ vọng các FTAs sẽ là động lực thúc đẩy xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam và dự báo nhu cầu của thị trường có thể sẽ dần phục hồi trong nửa cuối năm 2023.
Xuất khẩu cá ngừ của nước ta lạc quan tin tưởng sẽ có sự tăng trưởng khả quan trong nửa cuối năm nay.
Việt Nam hiện có trữ lượng và tiềm năng khai thác lớn đối với cá ngừ - mặt hàng vốn được tiêu thụ rộng rãi tại nhiều quốc gia.
Hiện có 9 loài cá ngừ phân bố ở các vùng biển Việt Nam, bao gồm nhóm cá ngừ đại dương và cá ngừ nhỏ ven bờ; trữ lượng ước tính khoảng 600.000 tấn; trong đó, cá ngừ sọc dưa chiếm hơn 50%; Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa là 3 tỉnh khai thác lớn nhất.
Với nguồn nguyên liệu ổn định, năng lực chế biến đang dần tăng lên, các doanh nghiệp cá ngừ Việt Nam cần tiếp tục tăng cường xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng và tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do để đưa ngành bứt tốc và về đích thành công.