Theo số liệu Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ đo được vào sáng 9/1, độ mặn cao nhất tại một số trên hệ thống sông tại Đồng bằng sông Cửu Long đã đạt tới mức 8,2 phần nghìn.
Cụ thể, trên sông Hậu, độ mặn đo được tại Đại Ngãi (cách cửa biển khoảng 40 km) là 4,1 phần nghìn; Long Phú (cách cửa biển khoảng 20 km) là 7,6 phần nghìn; Trần Đề (gần cửa biển) là 13,8 phần nghìn; trên sông Mỹ Thanh (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) đo tại Thạnh Thới Thuận là 8,2 phần nghìn; trên Sông Cổ Chiên, đo tại Hưng Mỹ (cách cửa biển khoảng 20 km) là 4,1 phần nghìn; tại Trà Vinh (cách cửa biển khoảng 30 km) là 8,0 phần nghìn và Láng Thé (cách cửa biển khoảng 38 km) là 4,1 phần nghìn.
Theo ông Nguyễn Minh Giám, việc nước mặn xâm nhập sớm và vào khá sâu đất liền ngay vào đầu tháng 1 là khá bất thường. Thông thường, vào thời điểm này hàng năm chưa xuất hiện hiện tượng xâm ngập mặn, mà chỉ bắt đầu xuất hiện ở mức độ nhẹ từ đầu tháng 2 trở đi.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mặn xâm nhập sớm và sâu trong đất liền là do nước thượng nguồn xuống thấp, không đủ mạnh để đẩy mặn ra, cùng với đó, do triều cường lên cao kết hợp với tác động của gió mùa Đông Bắc.
Tình hình xâm nhập mặn xuất hiện sớm sẽ ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất lúa của người dân, nhất là các vùng ven biển.
Theo ông Nguyễn Minh Giám, người dân cần chủ động tiến hành tích trữ nước ngọt để sử dụng trong thời gian nước mặn xâm nhập; đối với sản xuất, người dân cần theo dõi thời điểm nước triều xuống, khi độ mặn giảm tới mức cho phép thì chủ động tích nước, lấy nước vào đồng.
Theo tính toán, khi độ mặn vượt quá 1 phần nghìn là đã không thể sử dụng được cho sinh hoạt, nếu vượt quá 4 phần nghìn thì cây lúa không sinh trưởng được và chết ngay./.