Mô hình nuôi ốc hương trong nhà lưới của anh Bình, xã Hải Chính, huyện Hải Hậu (Nam Định) đang đem lại hiệu quả kinh tế rất cao, được cơ quan chuyên môn đánh giá cần nghiên cứu để nhân rộng tại các địa phương vùng ven biển trên địa bàn tỉnh.
Hơn chục năm gắn bó với nghề nuôi thủy đặc sản cá vược, tôm sú và tôm thẻ chân trắng, anh Bình trải qua đủ cung bậc vui, buồn của người nuôi: Giá cá bấp bênh, nuôi tôm có vụ bội thu cũng có khi mất trắng do nguồn nước bị ô nhiễm, dịch bệnh liên tục xảy ra.
Rút kinh nghiệm từ đây, anh quyết định nuôi đa con để con này “gánh” rủi ro cho con kia. Qua tìm hiểu, anh quyết định vẫn chọn các con nuôi đặc sản để đầu tư. Năm 2020, anh đã cải tạo lại 1/4 diện tích ao đầm, đưa cát vào lót đáy ao để chuyển sang nuôi ốc hương thương phẩm.
Mô hình nuôi ốc hương của anh Bình. Ảnh: Báo Nam Định
“Trong một lần tìm hiểu trên internet về những mô hình phát triển kinh tế vùng biển, tôi nhận thấy mô hình nuôi ốc hương mang lại hiệu quả kinh tế cao, ít rủi ro, lại phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương như thích hợp ở nhiệt độ 25-30 độ C. Muốn thử sức với đối tượng nuôi mới này, tôi đã cất công tìm đến các cơ sở nuôi ốc hương điển hình ở thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) để tìm hiểu, nghiên cứu cách nuôi” - anh Bình tâm sự.
Sau một thời gian tìm hiểu kỹ thuật, anh quyết định về địa phương đầu tư 21 triệu đồng mua 30 vạn con ốc hương giống để nuôi thương phẩm trên diện tích 1000m2.
Do thiếu kinh nghiệm nuôi, không lường trước được tác động của sự khác biệt về thời tiết miền Bắc với miền Nam, đặc biệt là tình trạng nắng nóng thường xuyên kéo dài và mưa giông đột ngột làm môi trường ao nuôi biến động gây sốc cho vật nuôi khiến ốc chết rất nhiều.
Do tác động từ môi trường khiến ốc hương chết rất nhiều. Ảnh: st3.depositphotos.com
Theo anh Bình, mặc dù chi phí đầu tư nuôi ốc hương khá cao nhưng kỹ thuật nuôi lại đơn giản, dễ quản lý, chăm sóc; giá trị kinh tế cao và dễ tiêu thụ. Đặc biệt, trong quá trình nuôi hoàn toàn không được sử dụng hóa chất, kháng sinh nên sản phẩm đảm bảo chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm. Anh Bình cho biết, ao nuôi thương phẩm nên chia nhỏ diện tích, mỗi ao từ 100-300m2 để dễ quản lý đàn ốc. Đáy ao được lót bạt, phủ cát dày 15-20cm.
Sử dụng nhà lưới hạn chế mưa nắng nên mực nước trong ao chỉ cần từ 20-25cm giúp dễ kiểm soát tình trạng ốc hàng ngày, người nuôi có thể nhìn thấy rõ ốc khỏe hay yếu, ốc có ăn hay không để kịp thời áp dụng biện pháp chăm sóc, việc xử lý chất thải dễ dàng.
Thực hiện “3 sạch” theo phương châm “nhất giống, nhì môi (môi trường), tam mồi, tứ kỹ”, anh Bình chọn nhập giống ốc hương ở các cơ sở sản xuất giống uy tín trong Nha Trang. Thức ăn cho ốc hương chủ yếu là ruột hàu, tôm nõn, cá tạp tươi nên rất phù hợp nuôi ở các xã ven biển có sẵn nguồn thức ăn.
Tôm nõn một trong những món ăn của ốc hương. Ảnh: bgr.com
Để đảm bảo môi trường an toàn cho ốc hương cần phải có đầy đủ hệ thống cấp nước sạch và ô-xy đáp ứng được cho ao nuôi mật độ cao. Ốc hương sử dụng thức ăn tươi sống nên lượng chất thải lớn, người nuôi phải thường xuyên vệ sinh nền đáy ao, thay nước định kỳ 3 ngày/lần, giữ môi trường sống sạch sẽ giúp ốc khỏe, lớn nhanh. Nếu tuân thủ nghiêm ngặt về con giống, thức ăn, môi trường, kỹ thuật sau 10-11 tháng ốc có thể đạt kích cỡ 80-100 con/kg.
Với kỹ thuật nuôi thương phẩm 3 giai đoạn, san ao gối vụ, cơ sở của anh Bình thường xuyên có ốc để bán. Hiện nay, thị trường tiêu thụ ốc hương “cung” không đủ "cầu", sản phẩm ốc hương của anh Bình được xuất bán cho các nhà hàng, khách sạn tại Hà Nội và các khu du lịch.
Các mẫu nước ao nuôi, mẫu ốc thu hoạch đều được anh Bình chủ động lấy để xét nghiệm tiêu chuẩn chất lượng tại cơ quan chuyên môn để đảm bảo cam kết trách nhiệm với khách hàng, tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP.
Cùng với các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao như tôm, cua, cá... thì ốc hương là một đối tượng nuôi mới, phù hợp với điều kiện tự nhiên mở ra một hướng sản xuất đầy triển vọng trong nuôi thủy sản, nâng cao thu nhập cho người dân và tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế địa phương.