Trong định hướng phát triển ngành thủy sản từ nay đến năm 2020, Sở NN và PTNT đặt mục tiêu chuyển dịch cơ cấu theo hướng ưu tiên phát triển nuôi trồng thủy sản hàng hóa. Rà soát, bổ sung quy hoạch nuôi thủy sản; chuyển đổi 2.000ha đất trũng, nhiễm mặn trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản. Tổ chức tốt hoạt động sản xuất và đảm bảo cung cấp đủ giống tốt cho người nuôi. Tập trung phát triển đa dạng các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao. Đối với vùng mặn lợ tập trung vào các đối tượng nuôi như: ngao, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá song, cá vược… Đối với vùng nước ngọt là các đối tượng nuôi: cá trắm đen, cá lóc bông, cá diêu hồng…
Do được sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền các cấp, các ngành, nên sản lượng nuôi thủy sản toàn tỉnh tăng từ 76.962 tấn (năm 2015) lên 83.376 tấn (năm 2016) (tăng 8,3%). Tôm thẻ chân trắng là một trong những đối tượng chủ lực được nhiều địa phương duy trì nuôi thâm canh với diện tích nuôi trên toàn tỉnh là 728ha. Giá tôm thẻ chân trắng trên thị trường dao động từ 250-300 nghìn đồng/kg.
Một số vùng nuôi tôm thẻ chân trắng tại các xã Hải Chính, Hải Lý, Hải Hòa (Hải Hậu); Nghĩa Thắng, Nghĩa Lợi, Nam Điền (Nghĩa Hưng); Giao Thiện, Giao Phong (Giao Thủy)… đã đem lại nguồn thu nhập ổn định, đời sống người dân ngày một cải thiện. Công tác chuyển giao kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học được Sở NN và PTNT và các cơ quan chức năng thường xuyên triển khai nên trình độ kỹ thuật của các hộ nuôi ngày càng được nâng cao. Đã có những mô hình nuôi siêu thâm canh đạt hiệu quả cao, cho năng suất trên 20 tấn/ha.
Cá bống bớp cũng là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, lại có thị trường đầu ra ổn định cả trong nước và xuất khẩu. Mặt khác, do người nuôi đã làm chủ được công nghệ sản xuất giống và đã tích lũy được kinh nghiệm nuôi nên cá bống bớp đang ngày càng được chú trọng tại các vùng nuôi mặn lợ và là đối tượng chủ lực của một số xã như Nam Điền, Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng)...
Năm 2016, diện tích nuôi cá bống bớp toàn tỉnh đạt 280ha với tổng sản lượng là 970 tấn. Bên cạnh đó, hình thức nuôi các đối tượng cá diêu hồng, cá lăng chấm, cá trắm đen… trong lồng, bè trên sông cũng phát triển tại các huyện Xuân Trường, Mỹ Lộc, với tổng số 200 lồng cá. Tất cả số lồng cá trên đã được các cơ quan chức năng cấp giấy phép hoạt động, nuôi thả trong sự quản lý chặt chẽ của Sở NN và PTNT.
Anh Chu Văn Bảo, xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) cho biết: “Được các cơ quan chức năng quan tâm, hướng dẫn các biện pháp nuôi cá lồng hiệu quả, chúng tôi đã thực hành đúng các kỹ thuật như kiểm tra lượng thức ăn và mức cá ăn hằng ngày để điều chỉnh cho phù hợp, tránh dư thừa gây lãng phí và ô nhiễm môi trường nuôi; theo dõi hoạt động của cá, kiểm tra lồng thường xuyên tránh việc rò rỉ thất thoát. Thường xuyên theo dõi tốc độ cá phát triển để bổ sung khoáng chất, thuốc phòng ngừa dịch bệnh cho cá khi cần thiết”… Số lồng cá nuôi trên sông ngày càng tăng, mở ra một hướng đi mới cho nghề nuôi thủy sản.
Thời gian tới, Sở NN và PTNT tiếp tục khuyến khích và tìm kiếm cơ hội đầu tư phát triển hạ tầng cho các vùng nuôi tập trung. Khuyến khích phát triển nuôi công nghiệp, áp dụng quy trình thực hành nuôi tốt (GAP), từng bước áp dụng công nghệ cao đảm bảo an toàn dịch bệnh và môi trường; tạo điều kiện, khuyến khích các hộ dân, doanh nghiệp đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, phát triển những đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế và hiệu quả cao. Phấn đấu năm 2017 toàn tỉnh mở rộng diện tích nuôi thủy sản lên 16.090ha với tổng sản lượng là 135 nghìn tấn.