Xã Giao Phong (Giao Thủy) ngoài trồng lúa và rau màu phát triển còn có thế mạnh về nuôi thủy sản. Do vậy trên địa bàn hiện có gần 20 cơ sở kinh doanh, cung ứng các loại vật tư nông nghiệp, thức ăn thủy sản cho người nuôi thủy sản. Theo đánh giá của UBND xã, đa số các hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp, thủy sản đều chấp hành tốt các quy định của Nhà nước, đáp ứng cơ bản nhu cầu của người dân trong suốt quá trình sản xuất. Để có được kết quả trên, UBND xã Giao Phong đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về kinh doanh vật tư nông nghiệp, thức ăn nuôi thủy sản thông qua hệ thống đài truyền thanh xã, tại các cuộc họp, sinh hoạt của các tổ chức hội, đoàn thể; tuyên truyền trực tiếp tại các đợt thanh tra, kiểm tra... góp phần nâng cao nhận thức cho người dân trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật về kinh doanh và sử dụng thức ăn, thuốc kháng sinh, chế phẩm sinh học xử lý môi trường trong nuôi thủy sản. Bước vào mỗi vụ sản xuất, UBND xã phối hợp với ngành chức năng hướng dẫn các đại lý, cơ sở kinh doanh, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp ký cam kết cung ứng các loại vật tư nông nghiệp, thức ăn nuôi thủy sản... của các doanh nghiệp có uy tín trong và ngoài tỉnh nhằm kiểm soát tốt chất lượng, đồng thời hạn chế tình trạng người nuôi thuỷ sản sử dụng các loại vật tư kém chất lượng, ngoài danh mục cho phép đang lưu thông trên thị trường...
Huyện Giao Thủy có trên 300 cơ sở kinh doanh các loại vật tư phục vụ nuôi thủy sản. Chất lượng vật tư có ảnh hưởng quan trọng đến kết quả nuôi thủy sản nên thời gian qua, UBND huyện đã tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra và tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nhà nước về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp nói chung, vật tư thủy sản nói riêng; chỉ đạo UBND các xã, thị trấn yêu cầu người sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện ký cam kết không kinh doanh các loại vật tư nông nghiệp, thức ăn nuôi thủy sản kém chất lượng; thường xuyên kiểm tra các cơ sở kinh doanh, kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm để xử lý theo quy định…
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nam Định có hơn 900 cơ sở, đại lý, cửa hàng kinh doanh các loại vật tư thủy sản. Để nâng cao hiệu quả quản lý, từ đầu năm đến nay Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành 4 đợt thanh tra, kiểm tra đột xuất tại 59 cơ sở trong toàn tỉnh. Qua đó đã phát hiện 7 trường hợp vi phạm, trong đó có 1 trường hợp buôn bán thuốc không có trong danh mục, 3 trường hợp không đủ điều kiện kinh doanh…
Theo đánh giá của lực lượng chức năng, số cơ sở kinh doanh các loại vật tư thủy sản nhỏ, lẻ còn nhiều, tình hình kinh doanh thức ăn giả, kém chất lượng diễn biến phức tạp, việc sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm, chế phẩm sinh học không rõ nguồn gốc xuất xứ trong nuôi thủy sản vẫn còn xảy ra, nên dư lượng thuốc trong nuôi thủy sản còn không ít. Bên cạnh đó, một số chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về chất lượng vật tư thủy sản. Kết quả qua các đợt kiểm tra, thanh tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, các sai phạm chủ yếu là chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, buôn bán các loại vật tư thủy sản, bảo quản hàng hóa không đúng quy định làm ảnh hưởng đến chất lượng, không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa...
Để kiểm soát việc kinh doanh vật tư và an toàn thực phẩm nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh, các sở, ban, ngành và chính quyền các địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, phương tiện để người dân biết và chấp hành các quy định của Nhà nước về chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn nông, lâm, thủy sản. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn UBND cấp huyện triển khai thực hiện Kế hoạch hành động về vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh. Tổ chức đào tạo, tập huấn nghiệp vụ quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản cho cán bộ quản lý cấp huyện, xã; tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm cho người quản lý, sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý kịp thời các vi phạm về chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản theo đúng quy định của pháp luật. Trong đó, tập trung vào các cơ sở kinh doanh thức ăn, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, cơ sở sơ chế, chế biến, kinh doanh sản phẩm thủy sản. Bên cạnh đó, tăng cường công tác lấy mẫu giám sát, cảnh báo các nguy cơ gây mất an toàn các vùng nuôi thủy sản. Đẩy mạnh việc xây dựng các chuỗi cung ứng thủy sản an toàn; tích cực hướng dẫn trình tự, thủ tục kiểm tra cơ sở kinh doanh vật tư thủy sản và kiểm tra, chứng nhận cơ sở kinh doanh thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm, hướng dẫn nghiệp vụ lấy mẫu thực phẩm thủy sản trong thực hiện công tác quản lý Nhà nước. Cùng với đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra hành chính, kiểm tra chuyên ngành, thanh tra theo kế hoạch, kiểm tra đột xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích cực phối hợp với các doanh nghiệp, địa phương, đơn vị, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ ngao sạch tại huyện Giao Thủy; tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm nông, thủy sản cho các cơ sở tham gia mô hình nuôi thủy sản an toàn, kiểm tra định kỳ vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh thực phẩm thủy sản an toàn. Nhờ đó, chất lượng các loại vật tư thủy sản kinh doanh, cung ứng cơ bản được đảm bảo. Toàn tỉnh đã có 7 trang trại thủy sản được công nhận đảm bảo các tiêu chuẩn quản lý chất lượng VietGAP; năm 2018 nhiều sản phẩm thủy sản đã tham gia vào chuỗi liên kết giá trị, góp phần tăng thu nhập cho người nuôi.