Tôi có sở thích hay đi phượt bụi, câu cá sông những lúc rảnh rỗi hoặc sau những ngày làm việc mệt mỏi để xả stress. Mỗi lần đi như vậy, đa phần tôi đều câu được rất ít cá, có khi cả ngày chẳng được con nào. Tôi tự đặt câu hỏi: Sông ngòi của nước ta vốn dày đặc, là điều kiện vô cùng thuận lợi cho các sinh vật dưới nước phát triển, nhưng tại sao lại ít thủy sản như vậy? Đây rõ ràng là một điều quá vô lý. Tôi còn nhớ, ngày xưa cá sông rất nhiều chứ không ít như bay giờ.
Có lần, tôi câu ở gần cầu Hóa An, Đồng Nai, thấy người ta đi thuyền ra giữa sông để thả cá phóng sinh. Mỗi lần như vậy, tôi đếm thấy có hơn mười thuyền nhỏ khác chạy theo phía sau, dùng chích điện để bắt lại ngay khi cá vừa được thả xuống. Hành động chướng mắt là vậy nhưng hầu như không ai nói được gì họ. Để ngăn chặn những hành vi dùng chích điện tận diệt cá sông, cần những cơ quan có thẩm quyền vào cuộc, chứ người dân bình thường khó lòng ra tay.
Nỗi lo cạn kiệt thủy sản bởi cách đánh bắt tận diệt. Ảnh minh họa
Tôi hay xem Youtube và biết được một phóng sự có tên "Giữ cá cho sông", nói về một bác nông dân ở An Giang nuôi được một đàn cá sông rất lớn. Tôi nghĩ bụng, tại sao chúng ta không nhân rộng mô hình này ra hàng trăm ngàn địa phương khác để tăng chỗ trú ngụ cho cá sông, góp phần bảo vệ và phát triển nguồn thủy sản của đất nước. Từ đó, chúng ta sẽ có kế hoạch đánh bắt có khoa học thay vì tận diệt chúng như hiện nay.
Khi ý thức của con người được nâng cao, sẽ kéo theo hàng loạt sự phát triển bền vững. Đặc biệt, chúng ta có thể dạy cho thế hệ sau biết bảo vệ thiên nhiên, môi trường một cách bài bản. Vừa rồi, tôi có dịp xuống chơi ở xã Mỹ Hiệp, Đồng Tháp. Ở các nhánh sông, người dân trồng rất nhiều bèo để làm đồ mỹ nghệ. Tôi thấy mô hình này cũng khá hay, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho thủy sản phát triển. Đó là những sáng tạo vô cùng cần thiết để cứu lại nguồn thủy sản đang dần cạn kiệt theo từng ngày.