Đàn cá được chọn tạo đã góp phần cung cấp lượng giống chất lượng, đáp ứng nhu cầu nhân nuôi thủy sản cho người dân trong tỉnh.
Ông Phan Quốc Thứ cho biết, cá thát lát đã được tỉnh và nhiều hộ kinh doanh đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu các năm qua. Nghề nuôi cá thát lát còm phát triển kéo theo nhu cầu con giống ngày càng tăng. Tuy nhiên, việc chọn giống kéo dài, sử dụng quần đàn cá nuôi để làm cá bố mẹ hậu bị đã dẫn đến hiện tượng cận huyết, làm giảm chất lượng. Trước thực trạng trên, yêu cầu chọn lọc và lưu giữ đàn cá bố mẹ có chất lượng để sản xuất ra nguồn con giống tốt phục vụ cho người nuôi là rất cần thiết.
Để chọn tạo, nhóm nghiên cứu phải thu thập đàn cá tự nhiên từ Hậu Giang (nhóm A) và Đồng Tháp (nhóm B) và nuôi riêng để tạo ra quần thể ban đầu cho chọn lọc (thế hệ F1). Đàn cá bố mẹ F1 là cá qua chọn lọc ở mức chọn lọc 12% cá thể trội trong đàn sau 7 tháng nuôi thương phẩm. Đàn cá con F2 ở giai đoạn nuôi thương phẩm sẽ được thu đo để so sánh chiều dài và trọng lượng với đàn cá F1 ngẫu nhiên trong cùng giai đoạn sinh trưởng. Sau một thế hệ chọn lọc, đàn cá F2 Hậu Giang cho kết quả cải thiện khối lượng so với thế hệ F1 là 4,85%, đàn cá F2 Đồng Tháp là 5,34% so với thế hệ F1.
Sau nghiên cứu, hiện tại Trung tâm Giống nông nghiệp Hậu Giang đang lưu giữ 1.000 con giống để tiếp tục bảo tồn và làm nguồn cung cấp cho thị trường. Ông Phan Quốc Thứ cho biết thêm: “Qua 3 năm nghiên cứu, chọn tạo được đàn cá bố mẹ, trung tâm đã tiến hành nhân đàn với số lượng trên 100.000 cá con. Thời gian qua, nguồn cá này đã cung cấp hết cho người nuôi cá trong toàn tỉnh”.
Ông Trần Sang, doanh nghiệp tư nhân ở huyện Vị Thủy mỗi năm đều đặt hàng và thả nuôi hơn 100.000 con cá bột từ nguồn Trung tâm Giống Hậu Giang cung cấp. Ngoài ra, các trại cá ở thị xã Ngã Bảy cũng bắt đầu thả nuôi cá thát lát trên những ao nuôi cá tra bị thua lỗ. Còn ông Huỳnh Văn Hải, ở xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, thì chia sẻ: “Hàng năm, tôi nuôi cá thát lát từ 3-4 ao có tổng diện tích trên 10.000m2. Khâu chọn tạo con giống ban đầu rất quan trọng nên tôi cũng chú tâm tìm địa chỉ chất lượng để mua. Mấy năm nay, tôi phải mua cá ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp vừa xa, vừa mất nhiều chi phí vận chuyển. Bây giờ, nghe thông tin tỉnh mình đã tạo được nguồn con giống bố mẹ thuần, tăng trưởng tốt nên dự kiến vụ cá tới tôi sẽ đến đặt hàng”.
Sau nghiên cứu, ông Phan Quốc Thứ còn xây dựng được quy trình tuyển chọn cá bố mẹ, quy trình sản xuất giống thát lát còm. Từ kết quả nghiên cứu này sẽ là cơ sở để những nghiên cứu về sau phát triển. Đây cũng là một trong các ưu điểm mà nhiều thành viên Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh đánh giá khi nghiệm thu kết quả nghiên cứu đề tài. Hơn hết, hiệu quả kinh tế của đề tài đã góp phần tăng năng suất vụ nuôi từ việc cung cấp đàn giống có chất lượng (tăng trọng nhanh, khỏe mạnh), từ đó giúp tăng thu nhập cho người nuôi. Về hiệu quả xã hội, đề tài còn góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi để khai thác triệt để tiềm năng mặt nước cho những vùng quy hoạch nuôi thủy sản của tỉnh; góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển nông nghiệp nông thôn theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Tuy kết quả nghiên cứu của đề tài khá thành công, số lượng cá bố mẹ được chọn tạo có đặc tính tối ưu hơn so với cá thường nhưng chủ nhiệm đề tài Phan Quốc Thứ vẫn còn lo lắng. Ông Thứ cho biết: “Tuy cá bố mẹ đã được chọn lựa đảm bảo độ thuần và chất lượng nhưng cần có tính bền vững lâu dài. Chính vì vậy, tôi kiến nghị các cấp, các ngành, nhất là ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục có thêm nghiên cứu mức độ chọn lọc khác nhau trên cùng một thế hệ. Để từ kết quả nghiên cứu đó có thể đánh giá được hiệu quả trong cải thiện chất lượng di truyền (tốc độ tăng trưởng) của quần đàn về sau”.