Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Bình Định, từ tháng 3 đến tháng 8/2023, nhiệt độ trung bình trên địa bàn tỉnh này phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ khoảng 0,5 độ C, tổng lượng mưa có xu hướng cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 5-10%, có nơi cao hơn.
Để hạn chế tác động xấu do biến động thời tiết, Chi cục Thủy sản Bình Định đã ban hành văn bản đề nghị ngành chức năng các địa phương có nuôi trồng thủy sản phổ biến, hướng dẫn người nuôi thực hiện các hướng dẫn kỹ thuật để ứng phó với thời tiết nắng nóng. Bên cạnh đó, nắng nóng diễn ra theo chu kỳ nên người nuôi trồng thủy sản ở Bình Định cũng đã chủ động ứng phó.
Đối với nuôi tôm nước lợ, do đầu năm 2023 lạnh kéo dài, năm nay lại nhuận 2 tháng 2 âm lịch nên người nuôi thả giống vụ 1 chậm hơn mọi năm. Vì vậy, nếu như những năm trước đây đến thời điểm này tôm nuôi vụ 1 đã thu hoạch cơ bản hoàn tất thì năm nay mới chỉ bắt đầu vào vụ thu hoạch.
Ông Phạm Thanh Nhân, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản thuộc Chi cục Thủy sản Bình Định, cho biết, trong thời tiết nắng nóng gay gắt, người nuôi tôm cần nâng mực nước trong ao lên trên 1,2m để giảm biến động. Mực nước trong ao nuôi được nâng cao thì biến động môi trường nước được giảm thấp.
Ngoài ra, từ tháng 4 đến tháng 7/2023, trên địa bàn Bình Định nắng nóng sẽ rất gay gắt, ngành chức năng khuyến cáo người nuôi cần đề phòng các bệnh thường xảy ra trên tôm khi yếu tố môi trường nguồn nước nuôi trở nên bất lợi do ảnh hưởng nắng nóng, nhất là bệnh gan tụy để tránh thiệt hại.
Mực nước trong ao nuôi được nâng cao thì biến động môi trường nước được giảm thấp. Ảnh: V.Đ.T
Cũng theo ông Nhân, ngoài nâng cao mực nước trong ao nuôi lên mức thấp nhất là 1,2m, ngành chức năng Bình Định còn hướng dẫn người nuôi tôm nước lợ tăng cường quạt nước để ổn định nhiệt độ trong ao, tránh hiện tượng nước bị phân tầng nhiệt độ, đồng thời thường xuyên kiểm tra hàm lượng ôxy luôn ở mức cao. Vào thời điểm nắng gắt, người nuôi cần bổ sung trực tiếp vitamin C hoặc vitamin tổng hợp vào ao nuôi để tăng sức đề kháng cho tôm.
Vào thời điểm nắng gắt, người nuôi cần bổ sung trực tiếp vitamin C hoặc vitamin tổng hợp vào ao nuôi để tăng sức đề kháng cho tôm. Ảnh: V.Đ.T
Đồng thời, người nuôi tôm phải thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường nguồn nước nuôi như tảo, vi sinh, độ pH, độ mặn, nhiệt độ, ammonia… để có biện pháp xử lý kịp thời; tăng cường sục khí trong ao để đảm bảo hàm lượng ôxy được cung cấp đầy đủ, tăng cường sử dụng màn lưới lan để giảm nắng nóng. Đặc biệt là phải hạn chế dùng chài, vó đánh bắt kiểm tra tôm vào những ngày nắng nóng để hạn chế tôm bị sốc dễ dẫn đến các bệnh trên tôm.
“Vào những thời điểm nhiệt độ đạt từ 26-30 độ C, chúng tôi khuyến cáo người nuôi nên cho tôm ăn đúng khẩu phần phù hợp với quy trình, tránh cho ăn dư thừa. Bởi, khi trời nắng nóng, nhiệt độ tăng cao tôm sẽ giảm ăn, do vậy, chỉ cho tôm ăn lượng thức ăn bằng 50-80% lượng thức ăn so với bình thường để tránh dư thừa thức ăn”, ông Nhân chia sẻ.
Trong những ngày nắng nóng người nuôi cần hạn chế dùng chài, vó đánh bắt kiểm tra tôm. Ảnh: V.Đ.T
Ông Phạm Quang Ân, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước cho biết, địa phương có diện tích nuôi tôm nước lợ nhiều nhất Bình Định, ngành chức năng huyện này hướng dẫn người nuôi tôm khi ao nuôi có dấu hiệu bệnh, tôm dạt vào bờ hàng loạt hoặc chết đáy thì phải cấp báo ngay cho khuyến ngư viên cơ sở để thông báo kịp thời với các cơ quan chức năng xử lý đúng theo quy trình, có giải pháp kịp thời nhằm giảm thiệt hại cho hộ nuôi và ổn định môi trường xung quanh.