Dù là đối tượng quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế thủy sản nhưng những năm qua, cơ bản kỹ thuật nuôi cá rô phi tại Hải Phòng chủ yếu vẫn đang áp dụng quy trình nuôi thay nước khi ao nuôi ô nhiễm nguồn nước do chất thải trong ao gia tăng.
Tại những vùng ven biển, số lượng cơ sở nuôi thủy sản kém hiệu quả ngày càng phổ biến do dịch bệnh dễ dàng lây lan thông qua nguồn nước.
Để khắc phục tình trạng này, Viện Tài nguyên và Môi trường biển (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã nghiên cứu thành công và tiến hành chuyển giao công nghệ để thực hiện mô hình nuôi thâm canh cá rô phi nước lợ bằng công nghệ Biofloc với quy mô 0,5ha và 20 hộ dân tham gia.
Công nghệ Biofloc giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ảnh: Đinh Mười.
Mô hình được triển khai tại phường Tân Thành, quận Dương Kinh (TP Hải Phòng), có sự phối hợp với Công ty Thủy sản Hoàng Hương, thời gian từ tháng 1/2022 đến cuối năm 2022.
Bắt tay vào việc, các nhà khoa học đã tiến hành tập huấn cho 40 người dân tham gia mô hình nắm được kỹ thuật nuôi thâm canh cá rô phi trong môi trường nước lợ bằng công nghệ Biofloc để áp dụng vào sản xuất.
Mặt khác, tập trung đào tạo 5 kỹ thuật viên là cán bộ kỹ thuật của đơn vị thực hiện dự án (doanh nghiệp) và cán bộ khuyến ngư nắm vững các quy trình nuôi cá rô phi bằng công nghệ Biofloc, tiếp thu, áp dụng thuần thục, làm chủ được các công nghệ, kỹ thuật và đủ năng lực nhân rộng tại địa phương.
Sau thời gian triển khai, mô hình đã cho những kết quả bước đầu tương đối tốt, dự kiến sẽ thu được trên 16 tấn cá thương phẩm kích cỡ > 500g/con, đảm bảo tuyệt đối vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Trước đây tôi chỉ nuôi được trên 10 tấn cá/ha, nhưng nhờ công nghệ này, tôi thu được đến 30 tấn. Trong khi đó, hệ thức ăn giảm hẳn so với trước, chỉ từ 1,22 - 1,3 giúp tôi tiết kiệm nhân lực và lao động”, ông Nguyễn Thái Hoàng, Công ty Thủy sản Hoàng Hương cho hay.
Cá rô phi thương phẩm đồng đều, kích cỡ > 500g/con, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: aquapona.co.uk
Trong quá trình triển khai mô hình, doanh nghiệp đã cùng với Sở KH-CN TP Hải Phòng, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng, trực tiếp là Trạm Khuyến nông Liên quận đã tăng cường phối hợp với các bên liên quan, hỗ trợ thực hiện dự án đạt hiệu quả, sát với cơ sở được triển khai, cử cán bộ khuyến nông theo dõi.
Bà Nguyễn Thị Huyền Thư, Phó Trạm trưởng Trạm khuyến nông Liên quận cho biết, mô hình đã góp phần đưa đối tượng nuôi mới với giá trị kinh tế cao sản xuất, thúc đẩy nghề nuôi trồng thuỷ sản phát triển.
Bên cạnh đó, việc chuyển giao công nghệ thành công cũng giúp đa dạng ngành nghề, nâng cao chất lượng đời sống xã hội của người dân ven biển, tạo việc làm, giúp người dân từng bước làm chủ công nghệ trong nuôi trồng thủy sản...
Mô hình nuôi cá rô phi nước lợ bằng công nghệ Biofloc được triển khai tại phường Tân Thành, quận Dương Kinh (TP Hải Phòng). Ảnh: Đinh Mười.
“Sản phẩm của mô hình sẽ tạo nguồn thực phẩm sạch cung cấp cho thị trường và TP Hải Phòng. Đồng thời cũng là điểm tham quan học tập để các hộ dân trên địa bàn các quận, huyện ven biển Thành phố nhân rộng mô hình”, bà Thư khẳng định.
Công nghệ Biofloc có khả năng làm sạch môi trường ao nuôi, cung cấp nguồn thức ăn tự nhiên và nâng cao hiệu quả chuyển hóa dinh dưỡng thức ăn.
Vi sinh vật dị dưỡng sẽ chuyển hóa các hợp chất chứa nitơ trong nước ao thành protein có trong Biofloc, nhờ đó tái sử dụng được nguồn nitơ từ chất thải hòa tan trong nước ao, chuyển hóa thành sinh khối thức ăn tự nhiên cho cá nuôi, làm tăng hiệu quả sử dụng thức ăn nuôi cá, giảm ô nhiễm.
Do đó, công nghệ Biofloc là giải pháp công nghệ sinh học mới góp phần phát triển ngành nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, an toàn sinh học và thân thiện với môi trường.
“Công nghệ Biofloc dựa trên nguyên lý sử dụng lượng Ni-tơ ở trong ao để bổ sung thêm Carbon, sau khi đưa được một lượng Carbon nhất định vào trong ao, sẽ tạo ra các hạt Floc, có thể sử dụng được các hạt này làm thức ăn và những hạt lơ lửng này cũng sẽ làm cho ô nhiễm trong ao nuôi giảm hẳn”, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành, Viện Tài nguyên và Môi trường biển, đơn vị chuyển giao công nghệ cho biết.