Tại buổi hội thảo về thành lập chuỗi sản xuất tôm an toàn dịch bệnh để phục vụ xuất khẩu được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh hồi đầu tháng 7 Tiến sĩ Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y đã đặc biệt cảnh báo về vấn đề này. Ông Đông cho biết việc doanh thu từ xuất khẩu tôm tăng trong những năm gần đây đã tạo nên tâm lý tự mãn về những thách thức mà ngành công nghiệp đang phải đối mặt như ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, bệnh dịch và những chính sách thương mại lớn.
Điểm đáng chú ý là giá trị xuất khẩu của các mặt hàng thủy sản của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2017 đạt khoảng 3,6 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên riêng đối với mặt hàng xuất khẩu tôm trong quý I lại bị chững lại.
Hoạt động nuôi tôm tại Việt Nam
Các hàng rào kỹ thuật về những quy định liên quan đến kiểm dịch và tồn dư kháng sinh từ các nước nhập khẩu đã trở thành mối đe dọa lớn đối với hệ thống xuất khẩu tôm hiện tại của Việt Nam.
Theo Cục Thú y, đến nay có 6 nước (bao gồm Australia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ả rập Saudi, Mexico và Brazil) hoặc là đã tạm dừng nhập khẩu tôm chưa qua nấu chín hoặc sẽ áp dụng việc lấy mẫu xét nghiệm các bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới (bao gồm các bệnh: Đốm trắng, Hoại tử gan tụy cấp tính, Đầu vàng, Taura, Hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô và bệnh Hoại tử cơ) hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xác nhận và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn dịch bệnh đối với các lô tôm chưa qua nấu chín của Việt Nam.
Giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang 6 nước này khoảng trên 2 tỷ USD, trong đó giá trị xuất khẩu tôm đạt trên 800 triệu USD tương đương chiếm 25% tổng giá trị xuất khẩu tôm của cả nước. Do đó, các biện pháp mà các nước này đưa ra có ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu tôm của Việt Nam. Các nước đã lập luận nếu kiểm soát tốt dịch bệnh, an toàn dịch bệnh thì không những phòng được các loại mầm bệnh xâm nhiễm vào nước họ; bản thân người nuôi tôm của Việt Nam sẽ không sử dụng kháng sinh, hóa chất trong suốt quá trình nuôi, do đó sản phẩm thu hoạch sẽ có chất lượng cao và bảo đảm các chỉ tiêu an toàn dịch bệnh.
Doanh nghiệp kêu khó
Các chuyên gia và nhà xuất khẩu tôm tỏ ra quan ngại sâu sắc về những yêu cầu về kiểm dịch. Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết sẽ rất khó để các nhà xuất khẩu có thể đáp ứng những yêu cầu này trong thời gian ngắn.
Ông Đặng Quốc Tuấn, Phó Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn thủy sản Việt-Úc cho biết tỷ lệ cá thể tôm sống ở các trại nuôi tôm của Việt Nam rất thấp chỉ từ 25-30% do phương pháp nuôi trồng thiếu chuyên nghiệp. Ông nhận định thêm tôm của Việt Nam chủ yếu cạnh tranh nhờ giá và những quy định mới đồng nghĩa các nhà xuất khẩu không thể muốn bán với giá nào thì bán.
Mới đây, Bộ Thương mại Hoa Kỳ tăng thuế chống bán phá giá đối với đợt rà soát hành chính lần 9 của tôm Việt Nam. Theo đó, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã điều chỉnh mức thuế đối với tôm Việt Nam. Do Việt Nam chưa được Hoa Kỳ công nhận nền kinh tế thị trường nên Hoa Kỳ phải sử dụng một nước thay thế có nền kinh tế tương tự để tính toán.
Quyết định này có nghĩa là các nhà nhập khẩu được lựa chọn phải chịu mức thuế chống bán phá giá tôm nhập khẩu cao hơn trong khoảng thời gian 12 tháng bắt đầu từ tháng 2 năm 2013 (đợt rà soát hành chính lần thứ 9). Mức thuế đã tăng từ 1,16% lên 1,42% do Tòa yêu cầu xác định lại mức thuế.
Do vậy, những áp lực từ bên ngoài buộc ngành công nghiệp nuôi tôm phải thay đổi.
Cục Thú y đã phát động chương trình nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho họ trong việc đáp ứng các yêu cầu về nhập khẩu. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp tỏ ra khá thờ ơ và chỉ có một số nhỏ các doanh nghiệp tham gia chương trình này.
Với quy mô sản xuất vừa và nhỏ, nông dân và các doanh nghiệp xuất khẩu tôm trong nước nhìn chung vẫn chưa nhận thức rõ được tầm quan trọng của việc đầu tư cơ sở vật chất để bảo vệ tôm khỏi các dịch bệnh.
Cộng đồng doanh nghiệp chế biến tỏ ra hết sức lo lắng trước những quy định về kiểm dịch vì các chỉ tiêu về dịch bệnh thuộc khâu nuôi. Các chỉ tiêu này rất khó kiểm soát vì nếu khâu nuôi không dùng kháng sinh sẽ không loại bỏ được mầm bệnh có ở khắp nơi.
Một số chuyên gia ngành nhận định nếu Việt Nam không nhanh chóng thay đổi và áp dụng các biện pháp phòng chóng dịch bệnh cho tôm thì các nhà xuất khẩu chắc chắn sẽ phải đối mặt với khó khăn vô cùng lớn, thậm chí lâm vào tình cảnh giải cứu.