Do ảnh hưởng mưa bão, gia đình bà Đào Thị Hiền, Thôn 3, xã Nga Tân, huyện Nga Sơn bị chết đến 80% tôm nuôi. Hiện gia đình bà đang tháo nước, vệ sinh khử khuẩn ao đầm để chuẩn bị nuôi lứa tôm mới.
Bà Đào Thị Hiền (Thôn 3, xã Nga Tân, huyện Nga Sơn) cho biết: "Sau khi mưa, thấy tôm nhảo thân và nhiều vấn đề nên bà con chỉ biết vôi, xử lý ngồn nước, bơm ra bơm vào nhưng nguồn nước ra thì có nhưng nguồn nước vào thì không có."
Tại các xã; Nga Tân, Nga Tiến, Nga Thủy huyện Nga Sơn, do mưa nhiều, kéo dài đã tác động trực tiếp đến nguồn nước, làm thay đổi độ mặn trong ao nuôi khiến 416 ha nuôi tôm của huyện, có tỷ lệ tôm chết hoặc bị ảnh hưởng lên đến 70% tổng diện tích. Do diện tích bị thiệt hại nhiều, nhu cầu giống để khôi phục, nuôi thả lứa mới tăng cao nên huyện đã chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát, quản lý về con giống, thức ăn. Các xã đang cũng chỉ đạo đẩy nhanh việc khơi thông dòng chảy, mở hết cửa cống, bơm tháo nước tại các ao nuôi bị ảnh hưởng để nuôi thả lứa mới.
Ông Mai Văn Nam (Thôn 7, xã Nga Tiến, huyện Nga Sơn) cho biết: "Sau khi mưa bão, sợ nhất vấn đề con tôm bị hỏng thân, mòn đuôi, đốm trắng. Những dịch bệnh rất hay bùng phát sau mưa, nên chúng tôi đã thực hiện sử lý vôi, thuốc diệt khuẩn, tăng cường độ pH trong ao."
Ông Nguyễn Văn Dũng (Phó chủ tịch UBND xã Nga Tân, huyện Nga Sơn) cho biết: "Sau mưa lũ, các hộ nuôi tôm quảng canh do không có điều kiện đảm bảo nên hầu hết các ao nuôi đều gặp sự cố về con nuôi, môi trường. Sau mưa bão địa phương cũng đã chủ động tuyên truyền vận động các hộ chủ động con giống nuôi để tiếp tục mùa vụ"
Thời tiết vẫn diễn biến phức tạp, mưa nắng xen kẽ rất dễ ảnh hưởng đến diện tích nuôi tôm. Do đó cùng với việc tuân thủ quy trình chăm sóc theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, các hộ nuôi tôm trên địa bàn huyện Nga Sơn đã chủ động thực giám sát dịch bệnh, nguồn nước, môi trường trong ao nuôi sau mỗi trận mưa để có biện pháp xử lý kịp thời các hiện tượng bất thường.