Số liệu của NHNN tổng hợp trên cơ sở báo cáo của các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, cho thấy, doanh số cho vay (số vốn cho vay đã được giải ngân) trong 9 tháng đầu năm 2012 đối với lĩnh vực nuôi, trồng, thu mua chế biến cá tra tại các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đạt 38.218 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 35.907 tỷ đồng; dư nợ cho vay đến ngày 30/9/2012 đạt 20.784 tỷ đồng, tăng 14,03% so với dư nợ cho vay cuối năm 2011.
Số khách hàng còn dư nợ tính đến thời điểm này là 5.962 lượt hộ dân và 282 lượt doanh nghiệp.
Theo NHNN, để thu được 1 đồng xuất khẩu cá tra thì ngành Ngân hàng có thể phải cho vay cả người nuôi cá và lẫn doanh nghiệp thu mua cá để chế biến xuất khẩu.
Vì vậy, doanh số cho vay 38.218 tỷ đồng là phù hợp với diễn biến kết quả xuất khẩu cá tra trong 11 tháng rưỡi năm 2012, tương đương 32.000 tỷ đồng (chưa kể tiêu thụ trong nước).
Nếu xét số tuyệt đối, dư nợ tín dụng tại thời điểm 30/9/2012 so với cuối năm 2011 chỉ tăng 2.000 tỷ đồng. Lý do tăng tín dụng nêu trên (trong khi sản lượng và giá trị xuất khẩu cá tra giảm) là chi phí nuôi của người dân tăng lên. Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) thì từ quý I đến quý III/2012, giá thức ăn của cá tra đã tăng lên từ 15- 20% trong khi chi phí thức ăn trong nuôi cá tra chiếm tới 80%.
Mặt khác, thống kê của ngành ngân hàng là số lượt khách hàng (hộ, cá nhân, doanh nghiệp) còn dư nợ tại các tổ chức tín dụng, không phải là số khách hàng. Vì có thể có khách hàng được vay vốn tại nhiều tổ chức tín dụng và được thống kê thành nhiều lượt khách hàng còn dư nợ.
VASEP cũng cho rằng từ khi triển khai cho vay hỗ trợ cá tra theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn 1149/TTg-KTN ngày 8/8/2012, đã có khoảng 10.000 tỷ đồng được các ngân hàng bơm ra cho ngành cá tra.
Số liệu này là phù hợp với thống kê của NHNN trong giai đoạn này cũng như doanh số cho vay cá tra 9 tháng đầu năm 2012 (38.218 tỷ đồng).