Chiều nay (28.3), Hiệp hội Cá tra Việt Nam phối hợp với Hội thương mại ngành thuỷ sản và công thương Trung Quốc tổ chức hội thảo “Kinh doanh thuỷ sản thành công cùng thị trường Trung Quốc và chính sách thương mại thị trường Trung Quốc”.
Tại đây, nhiều ý kiến cho rằng, thời gian qua, ở ĐSBCL – nơi sản xuất thuỷ sản lớn cả nước thường xuyên xảy ra tình trạng bơm tạp chất vào tôm. Nguyên nhân một phần là do các cơ sở kinh doanh tự làm vì ham lời, một phần là do thực hiện theo ý muốn từ phía một số thương lái Trung Quốc.
Đại diện Hiệp hội thuỷ sản tỉnh Sóc Trăng cho hay, trên địa bàn tỉnh thường xảy ra tình trạng thương lái Trung Quốc đến thoả thuận mua thuỷ sản xuất đi bằng con đường tiểu ngạch nhưng lại “biến mất” sau đó khi thị trường có biến động giá. Tình trạng này, không đơn thuần là thiệt hại của một số người dân mà còn làm ảnh hưởng đến việc mua bán qua lại giữa 2 quốc gia. Vì vậy, cần phải có biện pháp ngăn chặn những thành phần xấu này.
Ông Võ Hùng Dũng – Giám đốc Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ cũng cho biết, việc xuất bán qua đường tiểu ngạch đã phần nào làm ảnh hưởng đến các công ty làm ăn chân chính. Từ đó, việc xuất bán chính ngạch cũng sẽ rất khó khăn.
“Thời gian qua, đã có nhiều doanh nghiệp phản ánh về việc xuất bán sang Trung Quốc theo con đường tiểu ngạch nhưng vấn đề trên chưa được khắc phục. Để đảm bảo mối quan hệ 2 quốc gia trong mua bán thuỷ sản, bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng cũng như uy tín người bán thì cần phải tăng cường xuất bán theo hướng chính ngạch” – ông Dũng nhấn mạnh.
Trước những ý kiến của đại biểu, ông WangZhengbao – Tổng lãnh sự quán Trung Quốc cũng đồng tình cho rằng, về lâu dài phải tăng cường các giải pháp để việc mua bán theo con đường chính ngạch giữa 2 quốc gia và thực tế, ngành chức năng các bên đã làm công tác này.
Ông WangZhengbao khẳng định: “Lập trường của chúng tôi là kiên quyết ngăn chặn thương lái Trung Quốc ra nước ngoài thực hiện việc mua bán không hợp pháp, không nghiêm túc thực hiện theo quy định pháp luật của nước sở tại. Chúng tôi chắc chắn sẽ không coi nhẹ hành vi này của người Trung Quốc và hy vọng người Việt Nam khiếu nại, thông báo đến chúng tôi sớm nếu phát hiện những hành vi trên để có sự can thiệp kịp thời trong thời gian tới” – Tổng lãnh sự quán Trung Quốc nói.
Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu thuỷ sản lớn thứ 4 thế giới. Đồng thời, cũng là thị trường tiêu thụ thuỷ sản lớn thứ 4 của Việt Nam sau Mỹ, EU và Nhật Bản. Tới đây, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sẽ có xu xướng tăng. Nguyên nhân là do kinh tế nước này tăng trưởng mạnh khiến nhu cầu về thuỷ sản tăng.
Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2016, kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt 436 triệu USD, trong khi đó năm 2015 chỉ đạt 350 triệu USD. Về cá tra, năm 2016, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 272 triệu USD trong khi đó năm 2015 chỉ đạt 154 triệu USD.