Theo bà Đặng Thị Hương, đại diện Công ty Cổ phần thuỷ sản Vĩnh Hoàn, hiện Bộ Tài Nguyên và Môi trường chưa có quy định riêng cho nước thải nuôi thuỷ sản nên tất cả các đánh giá tác động môi trường dự án nuôi cá tra của đơn vị này được yêu cầu áp dụng theo QCVN 40:2011/BTNMT, tức quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp, được ban hành kèm theo Thông tư 47/2011/TT-BTNMT để kiểm soát nước thải trước khi thải ra môi trường tiếp nhận.
Theo bà Hương, việc ao nuôi cá tra phải đáp ứng quy chuẩn quy định tại QCVN 40:2011 đã và đang tạo áp lực rất lớn đối với người nuôi về việc xử lý nước thải đối với hoạt động nuôi cá tra. Bởi, các đối tượng áp dụng của quy chuẩn này là cơ sở sản xuất công nghiệp; cơ sở sản xuất, dịch vụ công nghiệp hoặc nhà máy xử lý nước thải tập trung có đấu nối nước thải của cơ sở công nghiệp. Trong khi đó, hầu hết vùng nuôi cá tra thương phẩm hiện nay đều xử lý nước thải theo phương án lắng lọc sinh học trong ao lắng thải đảm bảo phù hợp tiêu chuẩn quy định.
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo quy chuẩn QCVN 40:2021/BTNMT để thay thế QCVN 40:2011. Nhưng theo dự thảo quy chuẩn mới này, một số chỉ tiêu còn cao hơn cả quy chuẩn hiện đang được áp dụng. Cụ thể, chỉ tiêu BOD5 đối với nước thải cột A của dự thảo QCVN 40:2021 quy định là 25 mg/lít, trong khi QCVN 40:2011 hiện hành là 30 mg/lít; TSS là 30 mg/lít so với 50 mg/lít; tổng dầu, mỡ khoáng là 1 mg/lít so với 4 mg/lít; tổng coliforms của dự thảo QCVN 40:2021 là 1000 MPN/100ml so với 3000 MPN/100ml của QCVN 40:2011.
Theo bà Hương, nếu so với QCVN 02-20:2014/BNNPTNT, tức quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở nuôi cá tra trong ao được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành quy định về điều kiện đảm bảo vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm thì dự thảo mới của Bộ Tài nguyên và Môi trường (QCVN 40:2021) còn cao hơn rất nhiều.
Theo đó, đối với nước xả thải ở cột A, chỉ tiêu BOD5 của QCVN 02-20:2014 là 50 mg/lít, trong khi QCVN 40:2021 là 25 mg/lít; COD là 150 mg/lít so với 60 mg/lít; TSS là 100 mg/lít so với 30 mg/lít; amoni không quy định trong khi QCVN 40:2021 quy định là 5 mg/lít…
Theo Quyết định 1802/QĐ-BNN-QLCL ngày 22-5-2020 của Bộ NN&PTNT về việc ban hành “Chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm cá và sản phẩm cá bộ Siluriformes (cá da trơn, bao gồm cá tra) sang thị trường Mỹ”, thì QCVN 02-20:2014 là một trong những cơ sở áp dụng để kiểm soát và đã được Mỹ công nhận tương đương.
Thậm chí, với dự thảo QCVN 40:2021, những chỉ tiêu quy định đối với nước xả thải ở cột A còn cao hơn cả bộ tiêu chuẩn thực hành nuôi trồng thuỷ sản tốt nhất (BAP) được phát triển bởi Liên minh nuôi trồng thuỷ sản toàn cầu (GAA) để giải quyết trách nhiệm về môi trường và xã hội, phúc lợi động vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.
Cụ thể, dự thảo QCVN 40:2021 quy định chỉ tiêu BOD5 là 25 mg/lít, trong khi BAP là 50 mg/lít; chỉ tiêu COD của QCVN 40:2021 là 60 mg/lít, trong khi BAP không quy định; TSS của QCVN 40:2021 là 30 mg/lít trong khi BAP là 50 mg/lít; tổng nitơ của QCVN 40:2021 là 20 mg/lít trong khi BAP không quy định; các chỉ số khác như tổng phốt pho; tổng dầu, mỡ động thực vật; sunfua; tổng coliforms của QCVN 40:2021 đều cao hơn so với quy định của BAP.
Theo bà Hương, phần lớn các vùng nuôi đã hình thành và khai thác từ nhiều năm nay ở ven các nhánh sông lớn, cho nên, việc điều chỉnh xây dựng phần cứng để phù hợp với quy định sẽ rất tốn kém.
Cùng chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, 70% nguyên liệu thuỷ sản phục vụ chế biến xuất khẩu là từ khu vực nuôi, trong khi đó, nhu cầu mở rộng các vùng nuôi thuỷ sản tập trung, bao gồm cả sản xuất giống ngày càng tăng cao.
Chính vì vậy, việc đưa ra quy định tiêu chuẩn nước xả thải đối với hoạt động nuôi thuỷ sản như nêu trên, theo ông Nam, là thách thức lớn, không cần thiết trong xử lý nước thải nông nghiệp nói chung và thuỷ sản nói riêng. Điều này thậm chí còn có thể làm giảm tính cạnh tranh của nông, thuỷ sản Việt Nam.