Nhiều dự án lớn đang triển khai
Theo báo cáo của Sở Công Thương, chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2016 tăng 7,5% so với năm 2015; giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) đạt 44.480 tỷ đồng, tăng 8,6% so năm 2015. Một số sản phẩm chủ yếu của công nghiệp Khánh Hòa là: tàu biển, thủy sản, bia, nước giải khát, đường kết tinh, thuốc lá, dệt may, cơ khí, điện… Trong năm 2016, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nộp ngân sách ước đạt 5.610 tỷ đồng. Trong đó, Tổng Công ty Khánh Việt nộp gần 3.400 tỷ đồng; Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa nộp 470 tỷ đồng; Công ty TNHH Nhà máy tàu biển Hyundai Vinashin nộp 77 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa nộp 30 tỷ đồng…
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án công nghiệp và hạ tầng phục vụ công nghiệp đang được triển khai. Lớn nhất phải kể đến Nhà máy nhiệt điện Vân Phong (xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa) của Tập đoàn Sumitomo đang xúc tiến đầu tư giai đoạn 1 với công suất 1.320MW; dự kiến chủ đầu tư khởi công dự án vào quý IV/2017. Dự án Nhà máy bia Sài Gòn - Khánh Hòa (xã Diên Phú, huyện Diên Khánh) với công suất 50 triệu lít/năm (giai đoạn 1) cũng đã hoàn thành vào cuối năm 2016; chủ đầu tư là Công ty Cổ phần bia Sài Gòn - Khánh Hòa đang xúc tiến đầu tư giai đoạn 2, nâng công suất lên 100 triệu lít/năm. Tại Khu công nghiệp (KCN) Suối Dầu, Công ty TNHH Steinsvik Việt Nam với 100% vốn đầu tư của Tập đoàn Steinsvik Na Uy cũng mới đưa phân xưởng chuyên sản xuất chế tạo thiết bị cơ khí giai đoạn 2 vào hoạt động, nâng tổng vốn đầu tư lên 8 triệu USD, tổng công suất đạt 1.800 tấn sản phẩm/năm. Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa cũng đang gấp rút triển khai Cụm công nghiệp Sông Cầu (huyện Khánh Vĩnh) rộng 40ha để đón nhà đầu tư vào cuối năm nay. Cụm công nghiệp Trảng É (huyện Cam Lâm) rộng 115ha cũng đang được Tổng Công ty Khánh Việt đầu tư cơ sở hạ tầng để thu hút nhà đầu tư thứ cấp trong năm 2017.
Ông Trần Văn Ngoạn - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, KCN Ninh Thủy (thị xã Ninh Hòa) đã triển khai đầu tư hạ tầng giai đoạn 1 rộng 113ha, hiện nay cũng đã thu hút được 12 dự án với tổng vốn đăng ký lên đến 853 tỷ đồng. Hiện nay, nhiều dự án đã đi vào hoạt động. Với kết quả đạt được trong năm 2016 và tình hình triển khai dự án hiện nay, hy vọng thời gian tới, ngành công nghiệp tỉnh sẽ có những bước phát triển đáng kể.
Kỳ vọng năm 2017
Theo dự báo của Sở Công Thương, năm 2017, tình hình hoạt động ngành công nghiệp Khánh Hòa sẽ có những khó khăn như: ngành công nghiệp đóng tàu ít đơn đặt hàng hơn so với năm 2016, ngành thuốc lá có tốc độ tăng trưởng không cao… Nhưng bên cạnh đó, các dự án đầu tư tại KCN Suối Dầu, KCN Ninh Thủy và các cụm công nghiệp đang dần đi vào hoạt động ổn định. Vì vậy, có thể khẳng định năm 2017, ngành công nghiệp Khánh Hòa tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá.
Để tiếp tục duy trì mức tăng trưởng, Sở Công Thương sẽ gấp rút hoàn thành Quy hoạch phát triển công nghiệp Khánh Hòa giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch phát triển điện lực Khánh Hòa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; Quy hoạch phát triển hệ thống xăng dầu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Bên cạnh đó, sở sẽ tập trung kêu gọi lấp đầy KCN Suối Dầu và KCN Ninh Thủy; mở rộng hạ tầng Cụm công nghiệp Diên Phú thêm 25ha; thúc đẩy chủ đầu tư đẩy mạnh tiến độ xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Trảng É và Cụm công nghiệp Sông Cầu nhằm tạo mặt bằng cho các doanh nghiệp triển khai dự án. Ngoài ra, sở sẽ tập trung xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi doanh nghiệp đầu tư vào ngành công nghiệp trình UBND tỉnh phê duyệt.
Ông Nguyễn Ngọc Minh - Giám đốc Sở Công Thương cho biết, để đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp, sở đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng các KCN, cụm công nghiệp để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng. Về đầu tư các cụm công nghiệp ở địa bàn khó khăn, tỉnh cần có kế hoạch bố trí nguồn ngân sách để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật.