Loay hoay con giống
Năm 2016, cả nước có 465 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống nhuyễn thể, hàng năm sản xuất 30 tỷ con, đáp ứng 50% nhu cầu. Một phần giống được khai thác tự nhiên phục vụ nuôi thương phẩm.
Phát triển tương đối mạnh như vậy, song nghề nuôi nhuyễn thể ở nhiều tỉnh, thành chủ yếu vẫn là tự phát, thiếu một quy hoạch đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Bài toán về nguồn giống và thị trường vẫn chưa tìm được lời giải.
Chẳng hạn tại Nam Định, năm 2016, diện tích nuôi nhuyễn thể của tỉnh là 1.946 ha, sản lượng 31.795 tấn, năng suất bình quân hơn 17 tấn/ha/năm. Đây là những kết quả đáng mừng, tuy nhiên, thiếu giống, chất lượng chưa đảm bảo, một bộ phận người dân thiếu ý thức, sản xuất, kinh doanh giống chỉ chạy theo lợi nhuận trước mắt mà không chú trọng đến chất lượng hoặc kinh doanh giống có nguồn gốc không rõ ràng; không tuân thủ quy định, khuyến cáo kỹ thuật về mùa vụ, mật độ nuôi, diện tích nuôi.
Hay như tại Quảng Ninh, do lợi nhuận từ nuôi nhuyễn thể khá lớn nên thời gian gần đây, diện tích nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển ồ ạt so với trước, khiến nguồn cung giống khan hiếm. Đến thời điểm hiện tại, có 18 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản, nhưng chỉ có 5 cơ sở sản xuất giống nhuyễn thể. Năm 2016, nhu cầu nuôi nhuyễn thể tăng lên 1.170 triệu con, nhưng chỉ sản xuất được 196 triệu con, đáp ứng gần 17% nhu cầu. Sự chênh lệch khá lớn giữa cung và cầu đã khiến người nuôi tìm mua con giống tại các tỉnh, thành khác trong nước và một phần lớn nhập giống trôi nổi từ Trung Quốc, dẫn đến rất khó kiểm soát chất lượng.
Tìm “lời giải” bền vững
Năm 2016, Bộ NN&PTNT ban hành Quyết định số 3529/QĐ-BNN-TCTS phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển nuôi nhuyễn thể hàng hóa tập trung đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó, đặt mục tiêu đến năm 2020, tổng diện tích nuôi nhuyễn thể tập trung đạt 40.200 ha, sản lượng 384.100 tấn; chủ động cung cấp trên 70% tổng nhu cầu giống đảm bảo chất lượng nuôi thương phẩm. Và mục tiêu đến năm 2030, nâng diện tích lên 42.800 ha, sản lượng 514.000 tấn; chủ động cung cấp 100% tổng nhu cầu giống.
Theo đó, về quy hoạch sản xuất giống, xây dựng các vùng sản xuất giống nghêu tại vùng Nam Định, Thái Bình, Tiền Giang, Bến Tre, Bạc Liêu và Cà Mau; Vùng sản xuất giống ốc hương ở Khánh Hòa, Ninh Thuận; Vùng sản xuất giống tu hài ở Quảng Ninh, Khánh Hòa; Vùng nhân giống sò huyết ở Bạc Liêu, Kiên Giang; Vùng sản xuất giống hàu Thái Bình Dương ở Quảng Ninh, Khánh Hòa. Đồng thời, Bộ NN&PTNT cũng dành sự ưu tiên đầu tư cho nhiều dự án giống như: Trạm Nghiên cứu, Sản xuất giống nhuyễn thể thuộc Trung tâm Quốc gia giống hải sản Nam Bộ; Trung tâm Sản xuất giống bào ngư Bạch Long Vỹ, tỉnh Hải Phòng; Vùng sản xuất ngao giống tập trung Thái Thụy, tỉnh Thái Bình; Vùng sản xuất ngao giống tập trung Giao Thủy, tỉnh Nam Định; Vùng sản xuất giống nhuyễn thể tập trung Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang; Hạ tầng vùng sản xuất giống tập trung tại Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh...
Cho đến nay, chủ trương phát triển nuôi nhuyễn thể là hoàn toàn đúng đắn, song để phát triển nghề này một cách bền vững, việc nâng cao chất lượng con giống, quy hoạch chi tiết, xúc tiến đầu tư, thông tin tuyên truyền tới người nuôi, các cơ sở sản xuất kinh doanh... cần phải được chú trọng hơn nữa và có sự phối hợp của toàn ngành. Các địa phương cần sớm nghiên cứu, thí điểm hình thành tổ giám sát có sự tham gia của cộng đồng (giống nhuyễn thể có chứng từ mua bán hợp pháp, kiểm dịch hoặc chứng minh chất lượng), kết quả giám sát của tổ này có thể được sử dụng là một trong những căn cứ để xác nhận trên bản kê khai sản xuất ban đầu. Các cơ sở sản xuất giống tập trung nâng cao năng lực sản xuất, kiểm soát nguồn giống bố mẹ để có con giống thương phẩm tốt. Ngoài ra, người nuôi cũng cần tiếp cận, áp dụng các quy trình kỹ thuật nhân ương và nuôi theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, nuôi rải vụ nhằm giảm bớt áp lực cùng một lúc cung cấp lượng giống lớn.