Năm 2010, tỷ lệ sống của tôm đạt 80% nhưng tới nay chỉ còn 50 - 60% do dịch bệnh xảy ra khắp nơi và cứ hẹn lại lên. Điều này tác động lớn tới chi phí sản xuất tôm (COP). Năm 2010, COP/kg là 3,50 USD, nhưng hiện nay đã tăng lên 4,50 USD. Năm 2017, giá tôm giữ ở mức tương đối ổn định, nhưng tới năm 2018, giá bắt đầu lao dốc do mất cân bằng cung - cầu. Trong khi nhu cầu tiêu thụ trì trệ thì nguồn cung vẫn tăng đều từ Trung Mỹ và Ấn Độ khiến nghề nuôi tôm sắp rơi vào tình trạng “không lợi nhuận”, càng nuôi càng lỗ.
Đầu những năm 2000, khi tôm sú đối diện dịch bệnh WSSV và MBV, các quốc gia lập tức chuyển sang nuôi tôm thẻ. Ấn Độ là nước cuối cùng chuyển sang nuôi tôm thẻ vào cuối năm 2017 với sản lượng ấn tượng 600.000 tấn. Tuy nhiên, tôm thẻ hiện nay cũng đang gặp phải rất nhiều rủi ro dịch bệnh, nhưng người nuôi không thể quay lại nuôi tôm sú, bởi, đó không phải là một giải pháp giúp người nuôi tôm khắc phục được nhiều thách thức vẫn đang hiện hữu.
Vậy vướng mắc của ngành tôm nằm ở đâu?
Trước tiên, chúng ta đang tạo áp lực lên sức tải của hệ sinh thái ao mà không hiểu gì về nó. Người nuôi quá chú trọng đến con số sản lượng và lờ đi các vấn đề môi trường, hệ sinh thái. Với mật độ nuôi thả dày dặc (ví dụ 200 PL/m2), chất thải tôm tích tụ ngày càng nhiều và lượng thức ăn dư thừa vượt mức cho phép chỉ càng làm cho ngành tôm càng thêm bế tắc. Thứ hai, chúng ta sản xuất tôm post trong môi trường sạch và được kiểm soát để rồi sau đó lại thả chúng vào môi trường ao nuôi mở. Tỷ lệ sống sót thấp đã nhanh chóng đẩy ngành tôm phải chuyển từ nuôi 2 pha sang 3 pha, bổ sung thêm pha ương. Tuy nhiên, nhiều người nông dân chỉ đơn giản thả tôm post vào trong một ao nhỏ hơn với mật độ dày đặc và gọi đó là pha ương mà không biết rằng đây mới chính là một “ổ dịch bệnh”. Điều thứ ba, chúng ta đều biết rằng một trong những nguyên nhân chính dẫn đến dịch bệnh - stress gây ra bởi sự thay đổi các thông số của nước. Chất lượng nước cần phải được duy trì ổn định suốt giai đoạn nuôi và môi trường cần phải được kiểm soát để tránh được tác động tiêu cực của thời tiết và sự tích tụ bùn thải dưới đáy ao.
Ngoài ra, di truyền và dinh dưỡng cũng đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành tôm. Di truyền kém cũng là nguyên nhân dẫn tới các vấn đề sức khỏe và dịch bệnh trên tôm. Các hãng dinh dưỡng đang nỗ lực phát triển nhiều loại phụ gia chức năng cho tôm nhưng người nuôi tôm lại không nhận ra được sự cần thiết của những sản phẩm này hoặc không sẵn sàng chi trả thêm. Ngành tôm cần thay đổi, nhưng sự thay đổi nhận thức của nhiều thế hệ người nuôi tôm là một điều không dễ dàng.