Bởi đây là thời điểm cuối vụ nuôi, nhưng lại là cao điểm của hoạt động xuất khẩu. Tuy nhiên năm nay, mọi thứ lại thay đổi, không còn theo quy luật. Giá tôm vẫn còn ở mức khá thấp trong khi nguồn cung đã giảm mạnh.
Giá tôm chưa thực sự thu hút
Với những tín hiệu tích cực hơn từ các thị trường cùng với nhu cầu tôm chế biến sâu có xu hướng tăng vào dịp lễ cuối năm 2023, dự báo xuất khẩu tôm Việt Nam trong những tháng cuối năm nay tiếp tục thu hẹp mức giảm và ghi nhận kết quả tích cực hơn nửa đầu năm. Mặc dù xuất khẩu tôm đã tăng trở lại trong những tháng gần đây và theo dự báo sẽ còn tiếp tục tăng, nhưng khó khăn đối với doanh nghiệp và ngành tôm thì vẫn còn đó. Bởi áp lực về sự cạnh tranh, về tình hình lạm phát… nên giá tôm xuất khẩu đến giờ vẫn chưa được cải thiện nhiều.
Từ đầu tháng 10/2023 đến nay, giá tôm tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long có chiều hướng tăng nhẹ với hầu hết các kích cỡ. Giá tôm thẻ loại 100 con/kg từ mức chỉ 65.000 - 70.000 đồng/kg hiện đã tăng lên 78.000 - 81.000 đồng/kg. Loại 50 con/kg giá 106.000 - 109.000 đồng/kg; loại 30 con/kg giá 137.000 - 140.000 đồng/kg… Riêng tôm thẻ loại 20 con/kg thuộc loại hàng hiếm nên có giá khoảng 181.000 đồng/kg.
Mặc dù xuất khẩu tôm đã tăng trở lại trong những tháng gần đây và theo dự báo sẽ còn tiếp tục tăng
Thông tin từ một hộ nuôi tôm ở thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng), anh Nguyễn Duy Khang cho biết, với mức giá trên, người nuôi đã bắt đầu có lời. Tuy nhiên, nhìn chung lời không đáng kể, nên chưa thật sự hấp dẫn người nuôi tiếp tục thả giống.
Thực tế, theo tính toán của ngành chức năng tỉnh Trà Vinh cho thấy, giá thành TTCT loại 100 con/kg, hiện vào khoảng 75.000 – 78.000 đồng/kg; loại 50 con/kg giá thành dao động 85.000 – 90.000 đồng/kg; loại 30 con/kg có giá khoảng 98.000 – 105.000 đồng/kg. Từ bảng giá trên, có thể thấy, nếu nuôi tôm đạt tỷ lệ sống cao và nuôi được tôm kích cỡ lớn (từ 50 con/kg trở xuống) thì người nuôi vẫn có mức lợi nhuận từ 20.000 – 40.000 đồng/kg. Điều này lý giải vì sao hiện tại chỉ có những mô hình nuôi tôm lót bạc ứng dụng công nghệ cao là chủ yếu, còn những hộ nuôi ao đất thì hầu hết đều ngưng nuôi.
Nguồn cung tôm nguyên liệu từ các tỉnh trọng điểm như: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau,…hiện không còn nhiều, nhưng giá tôm hiện tại vẫn không cao như kỳ vọng. Không chỉ thế, theo các doanh nghiệp, giá tôm từ nay đến cuối năm cũng rất khó tăng, một phân do nhu cầu tiêu thụ đang thấp, phần khác đến từ sự cạnh tranh của các cường quốc tôm dẫn đầu thế giới như Ecuador, Ấn Độ…
Nói cách khác, một khi doanh nghiệp buộc phải bán với thấp thì họ không thể mua vào với mức giá cao được. Đơn cử tại Sóc Trăng, nơi tập trung nhiều doanh nghiệp chế biến tôm giá trị gia tăng, có tỷ suất lợi nhuận cao, nhưng do giá xuất khẩu từ đầu năm đến nay quá thấp nên họ cũng không hỗ trợ được nhiều về giá mua tôm nguyên liệu cho người nuôi.
Xuất khẩu vẫn còn khó khăn, chưa cải thiện
Khi đặt vấn đề về triển vọng xuất khẩu tôm từ nay đến cuối năm, theo ông Võ Văn Phục - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam (Vina Clean Food), tăng thì vẫn có tăng, nhưng khó khăn vẫn chưa hết.
Ông Phục chia sẻ: “Mặc dù từ tháng 9/2023, xuất khẩu tôm bắt đầu tăng khá mạnh và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng từ này đến hết tháng 11. Tuy nhiên, bởi áp lực cạnh tranh từ các nước sản xuất tôm lớn, tình hình lạm phát…nên giá tôm xuất khẩu vẫn chưa được cải thiện nhiều. Đây cũng chính là lý do vì sao giá tôm trong nước chỉ tăng được chút ít, dù nguồn cung tôm nguyên liệu đã không còn dồi dào như trước”.
Về nỗi băn khoăn khi bước qua quý I/2024, ông Phục trăn trở rằng tình hình sẽ còn tệ hơn bây giờ. Điều mà các doanh nghiệp lo lắng hơn là khó khăn của năm 2023 này, sẽ tiếp tục kéo dài sang những tháng đầu của năm 2024. Hiện, cao điểm mà các doanh nghiệp đang hướng đến là tập trung giao hàng cho đối tác và dự kiến sẽ kết thúc vào khoảng cuối tháng 11.
“Thông thường, hợp đồng giao hàng cho nhà nhập khẩu các nước châu Âu hay Bắc Mỹ tập trung mạnh từ giữa tháng 10 cho đến cuối tháng 11, sau đó giảm dần từ tháng 12 cho đến quý I năm sau. Riêng các đơn hàng cho các nước châu Á, như: Nhật, Hàn Quốc… thì vẫn duy trì đến hết năm” - ông Phục chia sẻ thêm.
Số lượng hàng xuất khẩu bắt đầu tăng mạnh kể từ tháng 9 và dự kiến còn kéo dài đến gần cuối năm, nhưng nhìn chung, theo các doanh nghiệp, doanh số xuất khẩu năm nay vẫn sẽ giảm khoảng 10 - 16%.
Mùa cao điểm chế biến xuất khẩu tôm gần như sẽ kéo dài từ nay cho đến cuối năm, trong bối cảnh nguồn cung tôm ngày một giảm dần. Dù vậy, đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa nghe doanh nghiệp nào than vãn chuyện thiếu nguyên liệu.
Về vấn đề này, Tổng Giám đốc Vina Clean Food lý giải “Do đây là thời điểm doanh nghiệp tập trung làm hàng giá trị gia tăng để phục vụ đơn hàng cho nhu cầu lễ, Tết cuối năm, nên tốc độ chế biến sẽ không nhanh như bình thường.
Mặt khác, do xuất khẩu gặp khó trong hơn nửa năm nên hầu như doanh nghiệp nào cũng tồn kho một lượng tôm nhất định và đây là cơ hội để xả kho và mua vào ở mức vừa phải, nhằm không để lỡ cơ hội khi thị trường phục hồi”.
Mặc dù, số lượng hàng xuất khẩu bắt đầu tăng mạnh kể từ tháng 9 và dự kiến còn kéo dài đến gần cuối năm, nhưng nhìn chung, theo các doanh nghiệp, doanh số xuất khẩu năm nay vẫn sẽ giảm khoảng 10 - 16%.
Riêng Vina Clean Food, ông Phục thông tin rằng doanh số xuất khẩu có thể giảm khoảng 15 - 16% so với năm ngoái. Ông dự báo: “Với giá tôm như hiện nay, dù độ mặn năm nay theo dự báo sẽ lên sớm đi chăng nữa, cũng có rất ít người thả nuôi. Lý do phần lớn hộ nuôi hiện đang kiệt quệ về nguồn vốn, trong khi sự đầu tư của các đại lý cũng bị hạn chế vì sợ rủi ro”.
Còn theo báo cáo từ Sở NN&PTNT các tỉnh nuôi tôm lớn, như: Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh… sản lượng tôm thu hoạch trong 9 tháng đầu năm này đều tăng so với cùng kỳ. Như vậy, nhiều khả năng sản lượng tôm cả năm tại các tỉnh nuôi tôm trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung vẫn sẽ đạt theo kế hoạch.