Vào Thu, mặt nước sông Lô, sông Chảy đoạn qua thị trấn Vĩnh Tuy trở nên hiền hoà như cô láng giềng nhà bên đến tuổi cập kê. Đúng đấy, ông Đỗ Đình Tuyên, Giám đốc HTX cá Chiên lồng đặc sản trên sông Lô, sông Bạc tại thị trấn Vĩnh Tuy xác nhận. Nghề nuôi cá trên sông cũng đỏng đảnh như những cô nàng hàng xóm đến tuổi trăng tròn vậy. Nói rồi ông cười, tiếng cười hả hê của một lão nông vừa thu hoạch vụ mùa thắng lợi. Ông Tuyên rãi bày tâm sự: Mùa Thu đã về, nhưng nghề nuôi cá lồng của HTX vẫn còn phải vật lộn với những con nước đầy, vơi trong những trận mưa lũ đầu tháng 9. Cả chục hộ nuôi cá Chiên lồng trên 2 đoạn sông Lô, sông Chảy phải túc trực ngày, đêm trên bè cá. Ăn ngủ trên bè, khi nước dâng, lũ về. Trong mấy ngày mưa lũ, nước sông Lô, sông Chảy dâng cao; cả HTX, hàng chục con người cứ phải chung lưng, đấu đầu vào nhau thức ngày, trông đêm trên bè cá và đánh vật với mưa gió. Khi lũ về, cả chục con người lại khom lưng cùng nhau đẩy bè cá vào vũng, vực tránh dòng nước siết. Còn khi lũ rút, ngần ấy con người lại chụm đầu nhau lại đẩy bè ra ngoài dòng nước chảy để tránh bè bị mắc cạn. Rồi ngay sau đó, lại lặn lội gỡ rác, rửa lồng... nghề nuôi cá lồng xem ra cũng lắm gian truân.
Nói về nghề, ông Tuyên cho biết: Nuôi cá lồng trên sông đã có hàng chục năm trên đất này; tuy nhiên, nghề nuôi cá, ví như nghề “gá bạc” là bởi thiếu hiểu biết về cá, về nghề nuôi cá nên làm nghề “5 ăn, còn lại là 5 thua”, tức là may, rủi như ta ngồi gá bạc bên bàn bạc thấy thì nhiều lắm. Thế nhưng, ngồi ngoài đánh cược vào trong bàn bạc thì, bấp bênh, rủi ro lắm; ông Tuyên giải thích. Và thực tiễn khi làm nghề, đòi hỏi người làm phải hiểu thật rõ đặc tính sinh trưởng, phát triển của từng loài cá thả lồng để nuôi. Riêng, nuôi loài cá Chiên lồng lại càng phải nắm rõ, nó là loài cá ăn thịt, sống theo bầy đàn nơi có dòng nước chảy. Mỗi năm, có 2 thời điểm thích hợp nhất để nuôi thả cá Chiên đó là: Thời gian thả nuôi cá Chiên tốt nhất thường vào trung tuần tháng Giêng, đầu tháng 2 âm lịch. Trong thời gian này, tiết trời vào Xuân ấm áp, nước sông trong xanh dịu mát, rất giàu ô xy; thích hợp để loài cá Chiên phát triển. Còn mùa thả nuôi thứ hai là chớm mùa Thu và trước khi Đông về. Tất nhiên, thả nuôi cá Chiên vào mùa Xuân vẫn là tốt nhất trong năm. Đặc tính của loài cá Chiên là, sống khoẻ, ăn khoẻ, lớn nhanh, ít dịch bệnh và cho giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, cá Chiên cũng thường nhiễm và mắc một số bệnh như: Bệnh Nấm, đường ruột... Các bệnh trên cũng xuất hiện và phát triển theo mùa, nên người nuôi cũng phải đề phòng và biết cách chữa trị để duy trì nghề. Và lẽ đương nhiên, những người nuôi cá Chiên lồng của HTX đã tự bảo nhau sử dụng một số loài thảo dược trộn cùng thức ăn theo phương pháp cổ truyền để phòng dịch bệnh từ khi bắt đầu thả cá vào lồng nuôi. Cách làm trên vừa phòng được bệnh cho cá, vừa tạo ra sản phẩm nuôi cá tự nhiên không tồn dư hoá chất. Cá Chiên nuôi lồng trên sông của HTX cá Chiên lồng Vĩnh Tuy hiện đang được rất nhiều khách hàng tìm, chọn để tiêu dùng.
Nói về làm nghề nuôi cá Chiên lồng trên sông, ông Tuyên khiêm tốn: HTX nuôi cá Chiên thả lồng trên sông hiện có 17 hộ tham gia với 57 lồng bè. Lượng cá thả nuôi từ đầu năm nay khoảng gần 6.000 con, lượng cá thả nuôi từng lồng phụ thuộc vào độ lớn của từng loại cá lớn, nhỏ. Thức ăn nuôi cá Chiên thường là loại cá tép dầu được đánh bắt và cung cấp từ khai thác cá trên lòng hồ thuỷ điện Thác Bà (Yên Bái). HTX cá Chiên lồng Vĩnh Tuy đã đặt hàng cung cấp thức ăn từ bên Thác Bà mang về Vĩnh Tuy mỗi sớm. Cứ khoảng 0,4 đến 0,5 kg thức ăn, đổi lấy 0,1 kg trọng lượng cá nuôi lớn lên. Như vậy, những hộ tham gia HTX cứ đầu năm thả nuôi – cuối năm thu hoạch. Độ lớn bình quân mỗi con khi xuất bán có trọng lượng trên, dưới 2 kg. Giá bán bình quân mỗi kg cá Chiên dao động từ 400.000 – 450.000 đồng/kg. Khấu trừ tất cả mọi chi phí, người nuôi cá Chiên lồng của HTX hiện đang có lãi bình quân trên 30 triệu đồng/lồng/năm. Dự kiến, HTX sẽ đưa số lồng, bè thả nuôi lên 65 – 70 lồng, bè để tạo nguồn cung cho thị trường hiện còn khá khan hiếm loài cá Chiên đặc sản này.
Vẫn còn trăn trở của những người nuôi cá Chiên đặc sản tại Vĩnh Tuy, đó là vốn đầu tư còn quá khiêm tốn. Thay mặt HTX, ông Tuyên lên tiếng: Năm vừa đây, HTX phải đi lại mãi mới hoàn tất thủ tục vay được 150 triệu đồng theo chương trình nghị quyết của tỉnh; số tiền trên đem về chia cho 10 hộ vay, mỗi hộ được 15 triệu đồng. Trong khi đó làm được 1 lồng cá đã hết 12 triệu đồng, số tiền còn lại có 3 triệu đồng chỉ để mua thức ăn nuôi cá…? Nếu cứ đầu tư như vậy, bao giờ sản phẩm cá Chiên đặc sản nuôi lồng của HTX cá Chiên Vĩnh Tuy mới có bày bán trên thị trường… Và bao giờ, những người tiêu dùng bình thường mới có khả năng bỏ tiền mua cá Chiên đặc sản rẻ hơn khi mà nguồn cung vẫn chưa đủ cầu…? Câu hỏi của ông Giám đốc HTX nuôi cá chiên lồng đặc sản Vĩnh Tuy xin được chuyển đến các cơ quan hoạch định chính sách trong thời gian sớm nhất để phát triển bài bản nghề nuôi cá không còn là nghề “gá bạc” nhỏ lẻ, dựa vào rủi, may.