Đến chiều 4-7, sau gần 10 ngày xuất hiện hiện tượng nghêu chết, nhiều “sân” nghêu tại biển Cần Giờ đã thiệt hại 80-90%. “
Chẳng hiểu vì sao năm nay nghêu chết sớm quá, mức độ thiệt hại cũng lớn hơn mọi năm, người nuôi nghêu tụi tui có lẽ sẽ ôm thêm nợ” - anh Lê Quốc Khanh (39 tuổi, ngụ khu phố Miễu Ba, xã Cần Thạnh) lo lắng.
Vào vụ nghêu năm 2015, anh Khanh góp vốn cùng năm hộ khác thả hơn 100 tấn nghêu giống, với vốn đầu tư hơn 3 tỉ đồng. Thế nhưng, do nghêu bị chết vào cuối vụ cùng với việc nghêu bị rớt giá, khoản tiền thu được chỉ hơn 2 tỉ đồng, mỗi thành viên góp vốn lỗ khoảng 200 triệu đồng.
Vào đầu năm nay, gia đình anh Khanh tiếp tục vay vốn để góp cùng ba thành viên khác thả 20 tấn giống, với tổng vốn hơn 1 tỉ đồng. Khi nghêu chết hàng loạt, anh Khanh lại đối diện với nguy cơ trắng tay và ôm thêm nợ.
Theo nhiều hộ nuôi nghêu, nghêu chết thường chỉ xuất hiện tại thời điểm bắt đầu thu hoạch (tháng 10 âm lịch), với tỉ lệ hao hụt không nhiều. Thế nhưng năm nay, nghêu bỗng nhiên chết “trắng sân” ngay từ cuối tháng 6, tập trung ở vùng gần bờ. “Có bãi nghêu đã mất 80-90%. Sân nghêu nào bị thiệt hại ít hơn cũng đến 40-50%” - một hộ nuôi nghêu nói.
Với thâm niên hơn 22 năm trong nghề, ông Huỳnh Văn Đàm (62 tuổi, khu phố Miễu Nhì) cho biết ba vụ nghêu vừa qua, hầu hết người nuôi nghêu trên địa bàn đều thua lỗ hoặc cao lắm là hòa vốn do nghêu chết và rớt giá, nhưng chưa bao giờ có hiện tượng nghêu chết trắng “sân” như năm nay. Rút kinh nghiệm thua lỗ từ mùa vụ trước, năm nay ông Đàm rất cẩn trọng từ khâu chọn con giống, tính toán thời điểm thả nuôi nhưng nghêu vẫn chết bất thường.
Tương tự, ông Đoàn Văn Hòa (khu phố Miễu Ba) cho biết đã rất thận trọng khi chờ nghêu giống đủ lớn và đảm bảo “sức khỏe” rồi mới đưa vào “sân” nuôi tại Cần Giờ. “Chẳng biết nghêu chết vì sao. Nếu hiện tượng này kéo dài, người nuôi nghêu tại Cần Giờ không những phá sản mà có nguy cơ trở thành con nợ khó đòi của ngân hàng” - ông Hòa lo lắng.
Về hiện tượng nghêu chết tại Cần Giờ, ông Trần Văn Sơn - chi cục phó Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP.HCM - cho rằng có thể bị ký sinh gây bệnh (Perkinsus) tấn công. Hơn nữa, nghêu sống trong môi trường hở, có thể bị ảnh hưởng từ hiện tượng nghêu chết tại Bến Tre mới đây.
“Nghêu dễ bị lây bệnh từ các vùng nuôi nghêu bị nhiễm bệnh theo dòng chảy của nước biển. Vì vậy, trước khi xuống giống, người dân cần phải xem xét cụ thể tình trạng nước biển, có dấu hiệu bất thường phải báo ngay cho cơ quan chức năng. Khi đó chúng tôi sẽ xuống kiểm tra, nếu có dấu hiệu bất thường sẽ tìm phương pháp hỗ trợ người dân” - ông Sơn khuyến cáo.
Ông Trần Văn Sơn (chi cục phó Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản):
Làm vệ sinh nước trước khi thả nghêu giống
Trước khi xuống giống, người nuôi phải lo vệ sinh bể trầm tích, thu gom các vỏ nghêu sò chết. Nghêu giống cần phải được xử lý bằng cách tắm nước ngọt để loại bỏ dạng bào tử của ký sinh gây bệnh trên nghêu trước khi thả nuôi.
Thả giống theo hình thức cuốn chiếu để tăng thời gian nghỉ cho các bãi nghêu, góp phần phục hồi nền đáy để nghêu phát triển tốt. Thực hiện nuôi khoanh vùng hoặc cắt vụ nhằm hạn chế sự hiện diện của mầm bệnh tồn lưu trong nền đáy.