Ông Bùi Văn Tâm, nông dân nuôi nghêu ở ấp Kinh Ngang, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông cho biết, năm 2013 việc nuôi nghêu của bà con ven biển Tân Thành gặp nhiều khó khăn do nghêu ốm, nhiều cát, giá nghêu sụt giảm mạnh trong khi nghêu nuôi các tỉnh phía Bắc liên tục đổ vào Nam với giá cả rẻ hơn cả nghêu nuôi tại địa phương.
Mấy tháng nay, giá nghêu thương phẩm chỉ ở mức 19.000 - 21.000 đồng/kg, giảm tới 10.000 - 12.000 đồng/kg so với thời điểm này năm ngoái. Đến khi nghêu chết, thương lái không mua hoặc mua với số lượng ít nên người nuôi nghêu cũng khó có thể thu hoạch nghêu để chạy bệnh. Do giá rẻ, bán không được nên phần lớn nghêu nuôi ở bãi biển Tân Thành năm 2013 đều là nghêu lớn (nghêu tới cỡ thu hoạch) khiến cho đợt nghêu chết này càng gây thiệt hại nặng nề hơn các năm trước.
Ông Lê Hoàng Việt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông cho biết, theo số liệu thống kê từ bản tự khai thiệt hại của người nuôi nghêu vào chiều ngày 13-3 của UBND xã Tân Thành, diện tích nghêu nuôi bị thiệt hại tới thời điểm này là 1.121 ha, tỷ lệ nghêu bị thiệt hại từ 50-70%, thậm chí có hộ bị thiệt hại 100%. Tổng sản lượng nghêu chết là 14.266 tấn với giá trị thiệt hại ước tính khoảng 250 tỷ đồng.
Trong khi theo số liệu của Chi cục Thủy sản, diện tích nghêu đang thả nuôi khu vực ven biển Tân Thành năm 2013 là 1.129,9 ha. “Do nghêu bị tồn từ đợt nghêu giá rẻ, khó tiêu thụ năm ngoái nên năm nay giá trị nghêu thiệt hại cao hơn so với năm 2010 và năm 2011”- ông Việt nhận định.
Theo ông Trần Văn Vinh, nguyên nhân gây chết nghêu năm nay khác với năm 2010 và năm 2011. Nếu như hai năm trước, nghêu chết theo luồng nước, cứ 3-4 sân nghêu chết thì có một sân nghêu không chết và nghêu chết nhiều ở các sân nghêu ven bờ mà nguyên nhân có thể là do tảo độc. Năm nay, nghêu chết hàng loạt, khắp các sân nghêu trong khi độ mặn thấp và có liên quan đến sức gió, nên ô nhiễm môi trường có thể là nguyên nhân gây chết nghêu.
Trong khi đó, kết quả quan trắc môi trường tại vùng nuôi nghêu tập trung ven biển Tân Thành của Chi cục Thủy sản Tiền Giang cho thấy, các yếu tố môi trường như: nhiệt độ, độ mặn, pH, COD… đều nằm trong giới hạn sinh trưởng và phát triển bình thường của nghêu nuôi. Hiện tại, các yếu tố dịch bệnh gây chết nghêu cũng đang được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thú y cùng với Trung tâm Thú y vùng 4 tiến hành khảo sát, lấy mẫu nghêu chết kiểm nghiệm để tìm nguyên nhân gây bệnh.
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây, trong năm 2010 và năm 2011, nghêu nuôi cũng chết hàng loạt trên diện rộng gây thiệt hại cho bà con nuôi nghêu, chỉ riêng khu vực biển Tân Thành (Tiền Giang) đã gần 500 tỷ đồng, còn nếu tính cả khu vực ĐBSCL lên hàng ngàn tỷ đồng. Khi đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quyết liệt chỉ đạo Tổng cục Thủy sản, Cục Thú y, các Viện, Trường vào cuộc xác định tác nhân chính gây nghêu chết để có biện pháp phòng trị hiệu quả.
Thế nhưng, qua 2 năm với nhiều cuộc điều tra, lấy mẫu phân tích, nhiều cuộc hội thảo bàn về nguyên nhân gây chết nghêu đã được tổ chức nhưng kết quả cuối cùng mà Tổng cục Thủy sản công bố chỉ là “vi khuẩn nội bào Perkinsus sp cùng với độ mặn cao là một trong những tác nhân gây chết nghêu”.
Năm 2012 nghêu nuôi phát triển bình thường thì việc xác định tác nhân gây nghêu chết hàng loạt đi vào “quên lãng”. Vậy là tác nhân chính gây chết nghêu đến nay vẫn chưa tìm ra. Giờ đây nghêu tiếp tục chết, người dân cũng lại không biết nghêu chết do đâu, làm thế nào để phòng trị.
Để hỗ trợ phần nào thiệt hại cho người nuôi nghêu, ngành chức năng địa phương mong Bộ NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị chức năng vào cuộc tìm tác nhân chính gây chết nghêu và bổ sung vào danh mục các loại dịch bệnh nguy hiểm được công bố dịch để người nuôi nghêu được hỗ trợ khôi phục sản xuất theo Quyết định 49 của Thủ tướng Chính phủ.