Mục tiêu của đề tài là nghiên cứu tìm giải pháp hạn chế sự đeo bám của một loại vẹm vàng có tên khoa học là Limnoperna fortunei trên ốc gạo ở Cồn Phú Đa, Chợ Lách, Bến Tre dựa trên cơ sở nghiên cứu những đặc điểm sinh học, sinh thái của vẹm nhằm đảm bảo sự phát triển và giá trị thương phẩm của vẹm trong khu bảo tồn Cồn Phú Đa. Sự đeo bám của loài vẹm này trên ốc gạo (đặc sản nổi tiếng của Bến Tre) đã làm cho sản lượng và giá trị thương phẩm của ốc gạo giảm trầm trọng trong những năm gần đây.
Đề tài đã nghiên cứu sâu đặc điểm sinh học sinh sản của loài vẹm này liên quan đến mùa vụ sinh sản, mật độ và thời gian sự xuất hiện ấu trùng chữ D của vẹm. Các yếu tố môi trường tương quan đến sự xuất hiện và đeo bám của vẹm cũng được theo dõi và phân tích. Kết quả cho thấy loài vẹm này có thể để nhiều lần trong năm nhưng đỉnh cao vào thời điểm tháng 1 và tháng 6. Ấu trùng chữ D của vẹm cũng xuất hiện quanh năm nhưng tập trung với mật độ cao ở tháng 4, tháng 6 và tháng 11. Các yếu tố môi trường như hàm lượng TSS, độ đục, lưu tốc nước, TN được ghi nhận là có tương quan đến sự xuất hiện và đeo bám của vẹm.
Ốc gạo bị vẹm vàng bám
Cùng với các yếu tố thủy sinh, nhất là sự hiện diện của các nhóm tảo, động vật nổi và động vật đáy chỉ thị cho môi trường giàu dinh dưỡng có thể cho rằng môi trường ở khu vực có xuất hiện của vẹm đang ngày càng trở nên ô nhiễm và có thể là nguyên nhân làm cho vẹm xuất hiện nhiều trong những năm gần đây. Đề tài cũng đã thử nghiệm biện pháp dùng giá thể (dây nhựa cứng, dây nylon có tẩm xi măng, chà bó…) cho vẹm bám nhằm giảm sự đeo bám của chúng trên ốc gạo. Kết quả cho thấy vẹm có thể bám tốt trên giá thể với mật độ cao gấp nhiều lần trên ốc gạo.
Đề tài được hội đồng nghiệm thu đánh giá cao về giá trị khoa học, góp phần làm tăng hiểu biết loài vẹm vàng làm cơ sở để tiếp tục hoàn thiện các giải pháp hạn chế chúng trong khu vực bảo tồn ốc gạo trong thời gian tới.