Cảnh báo
Theo nhận định của các chuyên gia ngành thủy sản: Xuất khẩu tôm năm 2014 có nhiều tín hiệu tốt do nhu cầu tiêu thụ tăng. Tuy nhiên, một số vấn đề khó khăn mà ngành sản xuất tôm đang gặp phải là nguồn cung tôm trên thế giới giảm do dịch bệnh tôm chết sớm. Việc kiểm soát chất lượng tôm giống vô cùng phức tạp nếu cơ quan quản lý không quyết liệt vào cuộc thì người nuôi sẽ thiệt hại lớn.
Ở Khánh Hòa, trước đây đã có 4 doanh nghiệp (DN) chọn tôm bố mẹ từ tôm thịt để gia hóa tôm giống dẫn tới tình trạng người nuôi tôm gặp thiệt hại khi tôm chết, chậm lớn. Từ nhiều năm nay, chúng ta phải phụ thuộc vào nguồn giống tôm bố mẹ từ các nước nên không chỉ bị động về nguồn cung mà còn khó kiểm soát chất lượng.
Ngày 20.3, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có công văn gửi Tổng cục Thủy sản thông báo về việc từ đầu tháng 3 đến nay Nhật Bản bắt đầu kiểm tra chỉ tiêu Oxytetracycline (OTC) với 100% lô tôm nhập khẩu từ VN. VASEP cũng đã kiểm tra thông tin từ đại diện các nhà nhập khẩu Nhật Bản.
VASEP kiến nghị Tổng cục Thủy sản có chỉ đạo tới các địa phương tăng cường công tác kiểm soát vật tư đầu vào theo chương trình để tránh bị ảnh hưởng lây nhiễm thứ cấp từ các nguồn vật tư với các kháng sinh bị cấm, đặc biệt là chloramphenicol và Oxytetracyline.
Theo ông Phạm Anh Tuấn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT): Sản lượng nuôi tôm năm 2013 đạt 540.000 tấn với hai loại chính tôm sú và tôm thẻ. Để khắc phục tình trạng con giống trôi nổi gây thiệt hại cho người chăn nuôi, Tổng cục Thủy sản đã đưa ra kế hoạch khắc phục tình trạng này bằng biện pháp chủ động đàn tôm bố mẹ.
Ngoài ra, quản lý chặt chất lượng giống từ khi sản xuất. Nhiều năm qua nhập khẩu giống tôm của các đơn vị chỉ căn cứ theo hợp đồng cung cấp với nước ngoài. Nhưng qua đợt kiểm tra gần đây, Tổng cục Thủy sản đã đề xuất loại một số cơ sở cung cấp không đảm bảo chất lượng. Bộ NN-PTNT đã ra thông tư 14 và thông tư 26 về quản lý sản xuất kinh doanh con giống, lực lượng chức năng có thể truy được tận gốc các nước mà chúng ta nhập khẩu đảm bảo quản lý tốt chất lượng tôm bố mẹ”.
Chủ động nguồn giống
Ngoài yếu tố môi trường nuôi, Tổng cục Thủy sản đặc biệt chú ý tới kế hoạch khảo nghiệm sản xuất giống tôm bố mẹ theo chủ trương được Bộ NNPTNT. Trung bình mỗi năm các DN nuôi tôm VN cần hàng trăm ngàn cặp tôm giống bố mẹ. Với giá hiện tại 60USD/cặp, trong khi nếu sản xuất trong nước giá thành có thể chỉ còn 10USD/cặp, nhưng đầu tư ban đầu cho hệ thống lai tạo, sản xuất khá lớn.
Một trong những yếu tố rủi ro nữa của con tôm nuôi trồng tại VN hiện nay là nhiều thời điểm nhu cầu của người nuôi thủy sản tăng trong khi đó nguồn cung có hạn không đáp ứng đủ. Chính vì vậy, VN xác định lâu dài cần phải đầu tư để có thể chủ động cung nguồn tôm giống, giảm phụ thuộc nhập khẩu.
Hiện nay, đã có 2 doanh nghiệp tham gia nghiên cứu dòng tôm giống bố mẹ. Một đơn vị ở Ninh Thuận nghiên cứu phát triển đàn tôm sú bố mẹ. Bước đầu đã có kết quả. Hiện toàn bộ hồ sơ dự án đang được cơ quan quản lý nghiên cứu cụ thể. Cty TNHH Việt – Úc (Bình Thuận) phối hợp với Viện CSIRO (Australia) đang đầu tư nghiên cứu giống tôm thẻ dòng bố mẹ để tiến hành đánh giá. Hiện toàn bộ hồ sơ đã chuyển tới Tổng cục Thủy sản.
Ông Phạm Anh Tuấn cho biết: “Năm 2013, bắt đầu triển khai áp dụng phát triển tôm sú tại VN đặc biệt là giống đàn bố mẹ. Trung bình ở nước ngoài để phát triển hệ thống này mất khoảng 10 năm. VN đã triển khai trước mắt trong 2 – 3 năm tới có thể cung cấp cho sản xuất từ 1 – 2 dòng tôm để hạn chế nhập khẩu và 5 – 7 năm sau sẽ cung cấp được nhiều dòng”.
Ngoài việc kiểm soát chặt nguồn giống tôm cung cấp cho các hộ nuôi, DN, việc nghiên cứu phát triển có được giống tôm dòng bố mẹ đạt tiêu chuẩn mang thương hiệu VN để chủ động hơn trong nguồn giống là hi vọng của nhiều hộ nuôi thủy sản, trong đó có con tôm chủ lực.