“Đời tôi quay lui quay tới cũng chỉ sống với con cá, con tôm. Có lẽ tôi cũng như những ngư dân đang quăng quật ngày đêm đều phải mang ơn biển...”, Ngọc tâm sự ngay phút đầu gặp mặt.
Gặp Ngọc bây giờ, một gã trai to con, trắng trẻo, ít ai nghĩ anh đã có một tuổi thơ khá lông nhông. Bố mẹ là giáo viên nhưng Ngọc không bén nhiều duyên nợ với nghiệp chữ nghĩa. Anh cũng từng đi học lớp trung cấp cơ khí tại Đà Nẵng, tiếc rằng mỏ hàn và những ánh lửa không tạo niềm si mê cho chàng trai miền biển này. Trở về quê, nơi cái gì cũng thiếu, chỉ cá, tôm luôn dư thừa, Ngọc “ném” đời mình vào thương trường, gắn mác “nhà buôn” hải sản, dù chỉ làm rất manh mún. “Hồi ấy, tôi khởi nghiệp với 0 đồng. Choai choai, tiền đâu ra. May ở cảng cá cũng chỗ anh em cả, tôi mua người này bán người kia, lấy chỗ này đắp chỗ kia nên dần dà cũng có tích lũy. Vậy mới biết, hàng tôm hàng cá ăn nói đốp chát chứ sống cũng nghĩa tình lắm”, Ngọc nhớ về thuở cơ hàn.
Trong 10 năm ròng rã từ 2000 đến 2010, Ngọc hùn hạp với anh em, bè bạn và thử sức nhiều công việc. Bằng nghị lực và sự chi li của mình, kinh doanh cái gì, bét lắm cũng hòa, chứ Ngọc không bao giờ để thua. Đặc biệt, về sau này khi nhà nước có nhiều ưu đãi để phát triển kinh tế biển và hải đảo, Ngọc chớp cơ hội mở rộng kinh doanh, từ nuôi tôm, kinh doanh khách sạn đến mua tàu vận tải đi đảo Cồn Cỏ... Nhưng như Ngọc thú nhận, có làm gì thì anh cũng quay về với con cá, con tôm. “Ở biển mà không bám vào sản vật của biển thì kinh doanh cái gì nữa. Cá tôm chất lượng cao thì tất nhiên sẽ đắt hàng nhưng còn với những loại có chất lượng thấp đầy ra đấy thì ai thu mua cho ngư dân? Câu hỏi đó ám ảnh tôi mấy năm trời”, Ngọc kể.
Vậy rồi một ngày đầu năm 2011, Ngọc thuê 1,6 ha đất ngay cạnh cảng cá để thành lập tổ hợp chế biến cá khô và bột cá Cửa Tùng. Dấn thân vào cái nghiệp “tuy cũ mà mới” (ở Quảng Trị, Ngọc là người đầu tiên), Ngọc đã phải rày đây mai đó ở Đà Nẵng và nhiều tỉnh miền Nam để “tầm sư học đạo”. Có xưởng của Ngọc, không một “món quà” của biển nào bị bỏ phí mà sẽ được phơi, sấy thành bột làm thức ăn chăn nuôi. Ngư dân địa phương rất hồ hởi bởi có thêm thu nhập (nhiều mớ cá trước đây vứt thì nay được mua với giá 5 đến 6 triệu đồng/tấn).
Từ ngày có xưởng chế biến cá khô và bột cá của Ngọc, không “món quà” nào từ biển trở thành phế phẩm
Bắt đầu từ lèo tèo vài nhân công, đến nay xưởng của Ngọc là nơi làm việc của gần 110 người dân địa phương với thu nhập trung bình từ 3 đến 6 triệu đồng/tháng. Số tiền Ngọc đầu tư đã lên tới 30 tỉ đồng, công suất của xưởng mỗi ngày có thể làm ra hàng chục tấn cá khô và bột cá thành phẩm.
“Bây giờ việc làm ăn đang có những bước ổn định, nhưng nếu mở rộng sản xuất tôi sẽ phải chú trọng và đầu tư hơn vấn đề môi trường. Mình làm ăn kiểu gì cũng phải theo luật chơi, không thể làm ăn lớn mà chuyện môi trường để ngỏ. Nhất là khi Cửa Tùng còn là một địa điểm du lịch hấp dẫn và tôi lại là một người con của Cửa Tùng”, Ngọc nói.
Trước sự phát triển vượt bậc của doanh nhân trẻ địa phương, ông Nguyễn Đình Tế, Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Tùng, tấm tắc: “Làm ăn khá như Ngọc, thị trấn chỉ có vài người, cũng từ buôn bán nhỏ mà lên cả. Nhưng có lẽ chính vì thế mà Ngọc rất có trách nhiệm với địa phương, luôn là người đi đầu trong các công tác từ thiện, xã hội”.
Không dám nhận những lời “có cánh” của ông Tế, Thanh Ngọc, chàng trai có cái tên khá nữ tính này chỉ cười: “Tôi mang ơn biển, từ nhỏ đến lớn đều “ăn” của biển nên số nợ này tôi sẽ trả dần. Biển cả hào phóng không nhận thì tôi sẽ trả cho ngư dân, cho những bà, những chị hàng cá hàng tôm...”.