Ngư dân bấp bênh vụ tôm mới

Trong khi, người nuôi tôm ở các tỉnh miền Tây “đứng ngồi không yên” vì tôm sú, tôm thẻ chết hàng loạt thì tại miền Trung, người dân cũng đang bất lực nhìn hàng trăm tỉ đồng “không cánh mà bay” khi tôm hùm “đội nón ra đi”.

Ngư dân miền Tây: Bấp bênh vụ tôm mới

Người dân đang đứng ngồi không yên vì tình trạng tôm chết chưa được kiểm soát - Ảnh: Sao Mai Đáng báo động là dù người nuôi đã và đang sử dụng nhiều cách để cứu tôm nhưng tình trạng tôm chết tràn lan chưa dừng lại.

Mùa tôm “đứng ngồi không yên”

Theo báo cáo của các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) khu vực ĐBSCL, vụ tôm năm 2012, nhiều tỉnh mới bắt đầu thả nuôi nhưng đã xuất hiện tình trạng tôm chết hàng loạt do dịch bệnh. Tính đến nay, các vùng ven biển của tỉnh Trà Vinh có hơn 11.563 hộ thả nuôi 848,3 triệu con tôm giống trên diện tích 12.412 héc ta. Tuy nhiên, mới 2 tháng đầu năm 2012, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 40 triệu con tôm giống của 800 hộ nuôi tôm bị chết, với diện tích hơn 1.017 héc ta.

Tại Sóc Trăng, trong tháng 2/2012, toàn tỉnh thả giống được 1.200 héc ta tôm thẻ chân trắng, nhưng đã bị thiệt hại trên 500 héc ta. Riêng tôm sú vụ nghịch thả vào tháng 1 và 2/2012 hơn 3.000 héc ta cũng bị thiệt hại hơn 30%.

Còn ở vựa tôm lớn nhất của cả nước là Cà Mau, vụ chính năm nay, người dân thả giống vào tháng 1 và 2 với khoảng 3.500 héc ta diện tích tôm thâm canh, bán thâm canh, nhưng đến nay, hơn 30% diện tích đã bị dịch bệnh. Ở những huyện như Phú Tân, Đầm Dơi, tôm bị chết lên đến gần 50% diện tích thả nuôi.

Theo Sở NN&PTNT Bạc Liêu, đến cuối tháng 2/2012, toàn tỉnh đã có 1.256 héc ta được thả nuôi, trong đó, diện tích thiệt hại các huyện mới báo cáo lên là 49 héc ta. Ở Long An, tính đến ngày 24/2, đã có 268,5 héc ta trên tổng số 1.018 héc ta đã thả giống bị thiệt hại…

Theo đánh giá của nhiều nhà chuyên môn, nguyên nhân tôm nuôi bị chết là do môi trường nước ở vùng nuôi có dấu hiệu bị ô nhiễm, người nuôi không tuân thủ lịch thả giống và thả giống vào thời điểm không thích hợp. Ngoài ra do nhiều người nuôi ham rẻ mua con giống trôi nổi, không qua kiểm dịch bằng hệ thống PCR, không có chứng nhận tôm giống sạch bệnh.

Trước tình hình này, các nhà khoa học, lãnh đạo các cơ quan chức năng đã vào cuộc và lên tiếng cảnh báo, tôm sẽ còn chết nhiều nữa trong những tháng tới khi bước vào vụ nuôi chính tôm công nghiệp, bởi nguồn nước trong môi trường tự nhiên đang bị ô nhiễm bởi dư lượng các loại thuốc bảo vệ thực vật ở mức nghiêm trọng.

Tôm hùm lao đao

Hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa vốn được xem là vùng nuôi tôm hùm lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, khắp các vùng nuôi tôm như Sông Cầu, Đông Hòa (Phú Yên), Vạn Ninh (Khánh Hòa) đều dễ dàng bắt gặp cảnh tôm hùm chết.

Theo thống kê mới nhất của cơ quan chức năng, riêng tại thị xã Sông Cầu (Phú Yên) đã có hơn 300.000 con tôm chết, chiếm tỉ lệ 1/3 số tôm được nuôi. Cụ thể, tại huyện Xuân Thịnh (thị xã Sông Cầu), vụ nuôi tôm năm nay, xã có khoảng 8.700 lồng với gần 610.000 con tôm hùm thương phẩm, tập trung ở 3 thôn Phú Dương, Vịnh Hòa và Từ Nham. Thế nhưng 2 tháng trở lại đây, tôm chết hàng loạt, số lượng ngày càng tăng.

Theo UBND xã Xuân Thịnh, hiện mỗi ngày trên địa bàn có hơn 1 tấn tôm hùm cỡ 0,2 - 0,6kg/con chết. Còn tại các xã Xuân Hòa, Xuân Lộc (thị xã Sông Cầu) người nuôi tôm cũng đứng ngồi không yên.

Ông Nguyễn Văn Sáu (ở xã Xuân Hòa) cho biết, ông đã thả nuôi 4.000 con, nhưng đến nay đã chết phân nửa.

“Gia đình tôi đang lâm nợ nần vì tôm. Chúng tôi ở đây ai cũng vay vốn ngân hàng để nuôi tôm. Có người do còn dính nợ ngân hàng nên phải vay nóng bên ngoài từ 100 - 200 triệu đồng để nuôi tôm, bây giờ tôm chết, chúng tôi nợ nần chồng chất” – ông Sáu than thở.

Còn tại Khánh Hòa, tình trạng cũng diễn ra tương tự. Tại huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), tổng mức thiệt hại cũng lên đến hàng trăm tỉ đồng, thiệt hại nặng nhất là ở xã Vạn Thạnh. Toàn xã có 350 héc ta mặt nước nuôi trồng thuỷ sản với gần 1.000 hộ nuôi 7.000 lồng tôm hùm. Đến nay, đã có 40 tấn tôm chết, thiệt hại gần 100 tỉ đồng. Bệnh trên tôm hùm đến nay vẫn chưa có thuốc chữa trị hữu hiệu.

Bên cạnh cú sốc về tôm chết thì việc tôm hùm rớt giá bất thường khiến người nuôi gặp nhiều khó khăn. Tôm hùm thịt có mức giá từ 2,7 triệu đồng/kg tôm loại 1 rớt xuống chỉ còn 1,17 triệu đồng/kg, thậm chí có thời điểm chỉ còn 850.000 đồng/kg.

Ba tháng nay, người nuôi tôm hùm ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ - nơi cung cấp nguồn tôm hùm xuất khẩu trọng điểm cho cả nước đang phải gồng gánh nỗi lo nợ nần. Các đơn vị chức năng của ngành thủy sản xuôi ngược khảo sát các vùng tôm bị bệnh tìm đủ cách cứu tôm. Thế nhưng tình trạng tôm chết hàng loạt vẫn chưa được chặn lại.

Giải pháp nào?

Để hạn chế tình trạng dịch bệnh trong khi môi trường, thời tiết còn chưa thuận lợi, Vụ Nuôi trồng Thủy sản đã đề nghị các địa phương kiên quyết chưa cho thả giống tôm trên diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh, đồng thời, phải lập ngay kế hoạch phòng chống dịch bệnh trên tôm.

Ông Nguyễn Huy Điền – Vụ trưởng Vụ nuôi trồng Thủy sản cho biết: “Để tăng tính chủ động và hiệu quả trong phòng chống dịch bệnh trên tôm, các địa phương và ngành thủy sản đã kiến nghị Chính phủ cấp sẵn hóa chất dập dịch cho các địa phương, để khi có dịch là có hóa chất dập ngay”.

Còn tiến sĩ Võ Văn Nha - Phó Giám đốc Trung tâm Quan trắc cảnh báo môi trường và Phòng ngừa dịch bệnh thủy sản (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 3) cho biết: “Tại các vùng nuôi tôm cũng mất kiểm soát ở khâu kỹ thuật. Trong quá trình đi tập huấn, tôi thấy người dân chỉ nuôi tôm theo kinh nghiệm là chủ yếu, không quan tâm đến kỹ thuật, không tuân thủ quy trình kỹ thuật. Do đó, tôi nghĩ các chi cục nuôi trồng thủy sản tỉnh, phòng nông nghiệp huyện cần thường xuyên tổ chức tập huấn cho người dân về kỹ thuật nuôi, cách phát hiện và xử lý bệnh cho tôm hùm”.

Còn theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu, trong thời gian tới, cần tăng cường hơn nữa công tác khuyến nông để người dân tiếp cận nhiều hơn nữa thông tin hướng dẫn kỹ thuật từ các cơ quan quản lý như các Chi cục Nuôi trồng Thủy sản, các nhà khoa học...

Hiện, phía các nhà quản lý, các nhà khoa học đang nỗ lực trong quá trình tìm kiếm giải pháp khắc phục dịch bệnh. Tuy nhiên, những nỗ lực này chắc chắn sẽ hiệu quả hơn nếu có được ý thức từ phía người nuôi. Tuân thủ hướng dẫn của các nhà chuyên môn, chủ động phòng chống dịch bệnh, phối hợp với các cơ quan chức năng khi có dịch bệnh xảy ra.

 

Đăng ngày 01/04/2012
Nguồn tin: Kinh tế SG
Nuôi trồng

Vì sao nên ưu tiên diệt tảo vào ban đêm thay vì ban ngày?

Tảo hay gọi chung là “thủy sinh thực vật” – một thành phần không thể thiếu trong nuôi tôm. Tuy nhiên, sự phát triển quá mức của tảo (hay hiện tượng nở hoa tảo) lại mang đến nhiều rủi ro, đặc biệt khi xử lý không đúng thời điểm.

Tảo
• 10:20 14/01/2025

Giải pháp vi sinh giảm thiểu khí độc trong ao nuôi

Các khí thường xuyên xuất hiện trong ao nuôi tôm, đặc biệt khi chất hữu cơ tích tụ và quá trình phân hủy xảy ra mạnh mẽ. Những khí độc này không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tôm mà còn làm giảm năng suất nuôi.

Tạt vi sinh
• 10:03 10/01/2025

Xử lý dịch bệnh không dùng kháng sinh trong nuôi tôm

Nuôi tôm là một ngành kinh tế quan trọng, nhưng cũng đầy thách thức khi dịch bệnh thường xuyên xuất hiện, đe dọa năng suất và lợi nhuận của người nuôi.

Tôm thẻ
• 10:49 09/01/2025

Quản lý nguồn nước và cải tạo ao nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu đang tạo ra những thách thức lớn đối với ngành nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là trong quản lý nguồn nước và cải tạo ao nuôi. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lớn, hạn hán kéo dài, và nhiệt độ thay đổi thất thường ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường ao nuôi, sức khỏe thủy sản và năng suất sản xuất. Để thích ứng và duy trì sự bền vững, người nuôi cần áp dụng các biện pháp quản lý nguồn nước và cải tạo ao phù hợp với các điều kiện khí hậu mới.

Nuôi
• 09:44 09/01/2025

Lý do vì sao xuất khẩu sò điệp của Việt Nam qua Trung Quốc tăng nhanh chóng

Xuất khẩu sò điệp là một trong những lĩnh vực đáng chú ý trong ngành thủy sản Việt Nam, đặc biệt đối với thị trường Trung Quốc. Trong những năm gần đây, xuất khẩu sò điệp từ Việt Nam sang Trung Quốc đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc.

Sò điệp
• 07:21 15/01/2025

Điểm danh các dấu hiệu tôm đang thiếu hụt dinh dưỡng

Tôm là loài sinh vật nhạy cảm với môi trường sống và chế độ dinh dưỡng. Khi thiếu hụt dinh dưỡng, tôm sẽ biểu hiện qua những dấu hiệu rõ rệt trên cơ thể và hành vi. Nhận biết sớm những dấu hiệu này giúp người nuôi có biện pháp khắc phục kịp thời, tránh gây thiệt hại nghiêm trọng.

Tôm thẻ chân trắng
• 07:21 15/01/2025

Vì sao nên ưu tiên diệt tảo vào ban đêm thay vì ban ngày?

Tảo hay gọi chung là “thủy sinh thực vật” – một thành phần không thể thiếu trong nuôi tôm. Tuy nhiên, sự phát triển quá mức của tảo (hay hiện tượng nở hoa tảo) lại mang đến nhiều rủi ro, đặc biệt khi xử lý không đúng thời điểm.

Tảo
• 07:21 15/01/2025

Nuôi cá chẽm: Lợi nhuận cao nhờ giá bán ổn định

Cá chẽm, một trong những loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, đang trở thành lựa chọn hấp dẫn cho nhiều người nuôi trồng thủy sản. Loài cá này không chỉ nổi tiếng vì chất lượng thịt thơm ngon mà còn nhờ vào giá bán ổn định, mang lại lợi nhuận bền vững cho người nuôi.

Cá chẽm
• 07:21 15/01/2025

Kiểm soát dịch bệnh do virus trên cá rô phi

Cá rô phi là một trong những loài thuỷ sản được nuôi phổ biến nhất trên thế giới, đóng vai trò quan trọng trong kinh tế xã hội và an ninh lương thực. Tuy nhiên, dịch bệnh do virus trên cá rô phi gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế và sản lượng. Để đối phó, việc kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh đòi hỏi những chiến lược tổng thể, tích hợp và bền vững.

Cá rô phi
• 07:21 15/01/2025
Some text some message..