Đó là phản ảnh của nhiều ngư dân ở Đà Nẵng và các tỉnh thuộc khu vực miền Trung nói chung. Đa số ngư dân đều đề đạt nguyện vọng Nhà nước sớm có giải pháp buộc phía Trung Quốc rút các tàu ngư chính, tàu chiến và cả tàu cá của họ ra khỏi vùng biển nước ta, để ngư dân yên bề làm ăn. Tại đất liền, phải kịp thời ngăn chặn tình trạng thương lái Trung Quốc ép giá mua hải sản...
Không chỉ đưa tàu ngư chính, tàu chiến, tuần tra, tập trận trái phép tại vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, thời gian gần đây Trung Quốc xua hàng chục tàu cá loại trang bị hiện đại có tàu tải trọng lớn đi kèm tràn xuống vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa đánh bắt hải sản trái phép. Hành động ngang ngược này vừa xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền vùng biển Việt Nam, vừa cản trở hoạt động sản xuất bình thường của ngư dân ta.
Bất cứ ngư dân nào trở về từ vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa chúng tôi gặp đều tỏ rõ thái độ bức xúc và phẫn nộ trước hành động ngang ngược của tàu quân sự, tàu cá Trung Quốc trên vùng biển chủ quyền nước ta. Ai cũng cho rằng, chưa khi nào kể từ trước đến nay, hoạt động đánh bắt hải sản gặp khó khăn, trở ngại như thời gian này.
Mỗi khi ra biển, không chỉ tàu ngư chính, tàu chiến mà cả tàu cá của họ đều ngang nhiên xua đuổi, uy hiếp. Trước đây, vào vụ cá Nam, khi trở về tàu đầy ắp cá, còn hiện nay thua lỗ khá phổ biến. Việc đánh bắt tại các ngư trường truyền thống không còn bình yên, thuận lợi như trước.
Ngư dân Nguyễn Thân, ngụ tổ 28 phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, Đà Nẵng, cũng là thuyền trưởng tàu cá ĐNa 90463 TS, công suất 820 CV, bộc bạch: “Mấy năm trước đánh bắt hải sản rất thuận lợi. Có chuyến biển trúng đậm, trừ chi phí vẫn còn lãi 400 - 500 triệu đồng. Năm nay, ra khơi 3 chuyến 2 chuyến bị lỗ. Nguyên nhân là do tàu Trung Quốc liên tục xua đuổi khỏi ngư trường truyền thống”.
Ngưng một lát ông nói tiếp: “Vừa buông lưới, tàu ngư chính và tàu chiến của họ ào tới, chạy vòng quanh uy hiếp, phất cờ ra hiệu không cho đánh bắt. Không còn cách nào khác, đành phải thu lưới, cho tàu chạy về phía Nam. Nhưng rồi, đâu có yên, tại nơi vừa đến, tàu cá Trung Quốc, có tàu lớn đi kèm cố tình cản trở. Thấy tàu cá của ngư dân ta xuất hiện, tàu họ cứ tốc thẳng tới. Tàu mình bằng gỗ, tàu họ bằng sắt lại lớn hơn nhiều nên phải tránh...”.
Nhưng đâu đã hết, ông Thân cho hay, khi tàu về bến thì gặp ngay tình trạng hải sản bị ép giá. Năm 2012, cá ngừ đại dương loại 15 - 20kg/con, giá 45 - 50 nghìn đồng/kg nay chỉ còn 30 nghìn đồng...
Cùng nỗi niềm, ông Lê Văn Ninh, ngụ tổ 85 phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng, thuyền trưởng tàu cá ĐNa 90072 TS, tâm sự: “Chuyến đầu năm ra vùng biển Hoàng Sa bị tàu Trung Quốc xua đuổi dữ quá. Chuyến vừa rồi, ra Trường Sa. Nhưng vừa đến nơi thấy tàu cá Trung Quốc dày đặc trên biển. Chưa thả lưới, họ đã gầm ghè, cố tình xua đuổi mình đi nơi khác. Quả là vừa ăn cướp vừa la làng. Ngang nhiên chiếm biển, đánh bắt trái phép còn cố tình xua đuổi tàu cá của ngư dân ta”.
Có thể nói, hoạt động đánh bắt hải sản tại các ngư trường xa bờ của ngư dân ta đang gặp vô vàn khó khăn khi Trung Quốc đã lộ rõ mưu đồ độc chiếm biển Đông bằng cách tăng cường tuần tra uy hiếp, xua tàu cá của họ tràn ngập vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Không ít tàu cá của ngư dân ta cùng lúc phải đương đầu với tàu ngư chính, tàu chiến và cả máy bay trực thăng của họ. Can trường bám biển, nhưng làm ăn trên biển trong tình trạng này cũng khó mang lại hiệu quả cao.
Trước thực trạng đó, nguyện vọng chung của ngư dân là Nhà nước sớm có giải pháp buộc Trung Quốc rút các tàu ngư chính, tàu chiến và cả tàu cá của họ ra khỏi vùng biển nước ta, để ngư dân yên bề làm ăn. Việc sản xuất trên biển của ngư dân rất cần có sự hỗ trợ, bảo vệ của tàu công vụ. Tại đất liền, phải kịp thời ngăn chặn tình trạng ép giá mua hải sản.
Theo nhiều ngư dân, các thương lái Trung Quốc đứng sau lưng một số tư thương sử dụng chiêu thu mua bằng hết hải sản, nhất là loại đánh bắt gần bờ với giá rẻ, cố tình gây khó dễ cho đội hình đánh bắt xa bờ, với mục đích làm cho ngư dân ta chán nản quay lưng với biển. Vì vậy, đề nghị cơ quan chức năng cần kịp thời có biện pháp ngăn chặn tình trạng này...