Thiếu bạn đi biển
Theo ông Cao Đình Phương - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Dương (Thăng Bình), chỉ qua hai năm, số lao động hành nghề đi biển của xã đã giảm hơn một nửa (từ khoảng 250 người năm 2017, thì nay còn chưa tới 120 người). Lao động giảm cũng khiến số tàu thuyền giảm theo, từ 25 chiếc xuống còn 16 chiếc (công suất lớn). Nguyên nhân, do ngư trường đánh bắt hạn hẹp, nguồn lợi hải sản cạn kiệt, nhiều chuyến biển thất thu. Trong khi đó, nhiều dự án du lịch trong vùng đang thiếu lao động, thu nhập lại ổn định, ít rủi ro nên người dân bỏ nghề biển vào bờ làm công. “Mỗi lao động đi biển thu nhập bình quân 45 - 50 triệu đồng/năm, công việc thì vất vả, dài ngày, trong khi làm trong các khu du lịch một ngày đã 300 – 500 nghìn đồng, không lo sóng gió nên nhiều ngư dân bỏ nghề chuyển hướng sang làm du lịch” - ông Phương cho biết.
Ông Phạm Văn Tuấn (thôn 6, xã Bình Dương) - chủ tàu QNa-94886 thừa nhận, hiện rất khó tìm bạn đi biển. “Mình kêu bạn làm theo kiểu ăn chia, có ít ăn ít có nhiều ăn nhiều nhưng cũng không có lao động. Từ khi Luật Thủy sản mới ra đời quy định tàu dưới 15m không được đánh bắt vùng khơi, hoạt động khai thác còn khó khăn hơn vì lâu nay tàu mình quen đánh bắt ngoài đó, kiểu này chắc cũng dễ chuyển nghề làm chuyện khác” - ông Tuấn chia sẻ. Tương tự, theo ông Lê Trung (thôn Tây Sơn Đông, xã Duy Hải, Duy Xuyên) - chủ tàu QNa-02519, nhiều chủ tàu hiện nay rất bức bí bạn đi biển, nhất là những tàu lớn. Tàu ông Trung dài gần 16m, công suất 165CV nên dù khai thác vùng lộng, thời gian ngắn ngày nhưng do cần lao động nhiều (khoảng 10 người/tàu) nên luôn trong tình trạng thiếu bạn.
Ông Nguyễn Văn Thống - Chủ tịch UBND xã Duy Hải cho biết, dù sản lượng khai thác thủy sản 6 tháng đầu năm của địa phương tăng 499 tấn, đạt 3.329 tấn nhưng cũng chỉ đạt 44,39% kế hoạch năm. Đặc biệt, số lượng tàu cá của xã đang giảm, ngư dân không đầu tư nhiều, phần do làm ăn khó khăn, phần do không có lao động đi bạn. Hiện xã Duy Hải có 138 phương tiện, chủ yếu khai thác mực, rập ghẹ với tổng công suất 11.896CV, trong đó có 32 tàu công suất 90CV trở lên (trước đây đánh bắt xa bờ).
Xu hướng tất yếu
Dù chưa có số liệu thống kê cụ thể, nhưng qua tìm hiểu tại các xã ven biển hai huyện Thăng Bình, Duy Xuyên, số lượng ngư dân chuyển nghề đang diễn ra ngày càng nhiều. Theo ông Phan Thanh Vân - Chủ tịch UBND xã Bình Dương, đây là xu hướng tất yếu do nhu cầu lao động tại các dự án du lịch trên địa bàn rất lớn. Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương, Bình Dương cũng đã xác định việc chuyển dịch lao động sang các ngành du lịch, dịch vụ những năm tới chiếm khoảng 50%. “Ngư dân nào có bằng thuyền trưởng thì vào lái tàu trong khu du lịch Vinperl, số thì xuống làm bảo vệ, chăm sóc cây xanh…, công việc nhẹ nhàng, ngày công, lương hướng cao nên bà con thích. Do đó chúng tôi cũng chỉ khuyến khích các tàu đánh bắt xa bờ cố bám ngư trường để vừa đảm bảo lượng tàu đánh bắt hải sản, với những lao động đánh bắt gần bờ mang tính chất không bền vững thì khuyến cáo họ chuyển đổi ngành nghề như vào làm việc trong các dự án du lịch…” - ông Vân nói.
Một số ý kiến cho rằng, nếu trước đây ngư dân cần tàu thì nay ngược lại, nhưng tình trạng này rất khó thay đổi. Ông Trần Châu Giang – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên cho rằng, thiếu lao động đi biển đang là thực trạng diễn ra trên địa bàn huyện, cụ thể tại 3 xã Duy Nghĩa, Duy Hải, Duy Vinh, nơi tập trung hoạt động đánh bắt thủy sản chủ yếu. “Không như những nghề phổ thông khác có thể mở lớp đào tạo hoặc tìm kiếm lao động bất cứ ở đâu, nghề đi biển có đặc thù riêng nên khi thanh niên và người dân biển không mặn mà với nghề thì rất khó có lực lượng thay thế. Chưa kể, bây giờ một số tàu thuyền được trang bị tốt, thời gian đi biển cũng dài ngày hơn nên việc tìm kiếm lao động càng nan giải. Hiện chỉ còn cách nghiên cứu làm sao giảm bớt lao động làm việc trên tàu, đồng thời hạn chế số tàu ra thêm... Lúc đó mới có thể duy trì ổn định công việc đánh bắt thủy sản, giúp ngư dân có thể yên tâm vươn khơi bám biển” - ông Giang phân tích. Hiện tại, Duy Xuyên có trên 200 tàu thuyền các loại, trong đó tàu lớn đánh bắt xa bờ khoảng 64 chiếc, hầu hết hành nghề lưới rê, lưới vây, câu…