Trong những năm qua, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã tích cực tuyên truyền, phổ biến một số nội dung, kiến thức cơ bản nhằm giúp ngư dân nâng cao nhận thức về pháp luật biển của Việt Nam và các nước trong khu vực có biển tiếp giáp, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Đặc biệt, trong nỗ lực khắc phục cảnh báo thẻ vàng của Liên minh Châu Âu đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam, tất cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, các lực lượng chức năng thực thi chấp pháp trên biển như: lực lượng Kiểm ngư Việt Nam, Bộ đội Biên phòng Việt Nam, Cảnh sát biển Việt Nam, lực lượng Hải Quân Việt Nam đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến đến từng ngư dân về kiến thức pháp luật biển của Việt Nam và các nước trong khu vực.
Điều kiện để khai thác thủy sản trên vùng biển ngoài vùng biển Việt Nam
Tàu cá Việt Nam đi khai thác ở vùng biển hoặc vùng lãnh thổ của quốc gia, vùng lãnh thổ của quốc gia khác phải có giấy phép khai thác thủy sản ở vùng biển cả hoặc vùng biển của các nước, vùng lãnh thổ khác do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp.
Tàu cá có đủ tiêu chuẩn vùng hoạt động hạn chế cấp I hoặc cấp không hạn chế. Trường hợp hoạt động tại vùng biển của quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á thì tàu cá phải có đủ tiêu chuẩn vùng hoạt động hạn chế cấp II trở lên. Đã được đăng ký, đăng kiểm. Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá phải còn thời gian hiệu lực ít nhất là 3 tháng. Trang bị đầy đủ các thiết bị an toàn cho người và tàu cá, thông tin liên lạc tương ứng với vùng biển hoạt động theo quy định của pháp luật. Có đủ biên chế thuyền viên theo quy định của pháp luật.
Đối với thuyền viên và người làm việc trên tàu cá, thuyền trưởng, máy trưởng phải có bằng hoặc chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng do cơ quan có thẩm quyền cấp, có bảo hiểm thuyền viên. Có sổ thuyền viên tàu cá hoặc chứng chỉ nghiệp vụ thuyền viên tàu cá.
Đối với tổ chức, cá nhân đưa tàu khai thác ở vùng biển của quốc gia hoặc lãnh thổ khác phải đáp ứng các điều kiện quy định đối với tàu cá, đối với thuyền viên, người làm việc trên tàu cá và các điều kiện sau:
Có hợp đồng hợp tác khai thác thủy sản với tổ chức, cá nhân của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ có biển, được cơ quan có thẩm quyền của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ có biển đó chấp thuận hoặc theo nội dung của Hiệp định hợp tác nghề cá giữa quốc gia và vùng lãnh thổ có biển với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Thuyền viên trên tàu phải có hộ chiếu phổ thông. Trên tàu hoặc cùng một nhóm tàu phải có ít nhất một (01) người biết tiếng Anh hoặc ngôn ngữ thông dụng của quốc gia, vùng lãnh thổ mà tàu cá đến khai thác. Đáp ứng được điều kiện khác theo quy định của pháp luật nước sở tại (nếu có).
Quy định của một số nước về xử phạt đánh bắt cá trái phép
Đối với Bru-nây, chủ tàu hoặc thuyền trưởng sẽ bị phạt tiền khoảng 1,5 tỷ đồng và bị phạt tù lên đến 5 năm. Đối với các thuyền viên khác tham gia khai thác trên tàu sẽ bị phạt tù và phạt tiền 40 triệu đồng. Ngoài ra, sẽ tịch thu tàu các và toàn bộ trang thiết bị hành nghề cũng như tịch thu xử lý hải sản thu giữ trên tàu vi phạm.
Đối với In-đô-nê-xi-a, các tàu cá nước ngoài vi phạm khai thác trái phép trong khu vực biển của indonesia sẽ bị phạt tù lên đến 7 năm và phạt tiền lên 20 tỷ Rupiah Indonesia tương đương với 32 tỷ đồng Việt Nam. Bên cạnh đó, sẽ tịch thu tàu cá cùng toàn bộ ngư cụ hoặc phá hủy toàn bộ tàu khai thác trái phép.
Đối với Phi-líp-pin, thuyền trưởng, thuyền viên trên tàu khai thác trái phép trên vùng biển philipin có thể chịu mức phạt lên đến 10 năm tù và phạt tiền từ 50 nghìn USD đến 200 nghìn USD. Tịch thu toàn bộ phương tiện khai thác nếu sử dụng chất nổ để khai thác thủy sản trái phép.
Ngoài ra, các nước như Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Campuchia, Ôxtrâylia... đã có những quy định riêng xử lý nghiêm đối với những trường hợp tàu cá nước ngoài khai thác thủy sản vi phạm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước mình.