Đổi đời
Vượt cầu Bình Tân đi về phía Nam TP Nha Trang, con đường trải nhựa dẫn đến cảng cá Hòn Rớ rộng thênh thang. Một bên đường là những dãy nhà mái bằng, nhà cao tầng khang trang nằm liền kề nhau, tựa lưng vào núi, hướng mặt ra biển. Bên kia, hàng trăm ụ lưới mành, nhiều đống đá san hô, bè phao, bao đựng cát chất đầy dọc theo sông.
Trên bờ kè mát rượi, những ngư dân đang cần mẫn làm việc, dùng dụng cụ nạo sạch những mảng rêu, con hàu, ốc biển bám dày trên từng hòn san hô. Sau đó, họ căng từng tấm lưới, giũ rác, chà sạch bùn khô trên lưới, rồi cột chặt từng viên đá vào tấm mành của mình. Nghe chúng tôi hỏi chuyện nghề, lão ngư Trần Ngọt hồ hởi: "Hơn tháng nữa là vào mùa tôm hùm đẻ. Bọn tui đem giàn trủ đá này ra chà sạch, sửa soạn lại để đến vụ là thả xuống biển liền". Ngư dân trẻ Lê Văn Tới cho biết, hai năm trước, khi nghề đánh bắt cá ngừ đại dương bắt đầu sụt giảm, tiền đi bạn đem về không đủ nuôi vợ con đến 1 tuần, anh không đi biển nữa mà treo chân nằm nhà. Trong lúc buồn vì chưa tìm được kế làm ăn, may mắn, Tới được lão ngư Trần Ngọt chỉ cho cách làm trủ đá. Cạy cục ít tiền làm xong vài tấm mành, đến mùa đánh bắt tôm hùm, anh theo ghe ông Ngọt ra biển thả lưới.
Mùa tôm hùm năm đó, anh kiếm được khoản tiền kha khá, không chỉ đủ nuôi vợ con, mà còn có dư dả để sắm thêm chục giàn mành nữa.
Ngư dân Trần Văn Thuấn đi ghe nhỏ đánh bắt ven bờ với nghề lưới giũ cá cơm. Khi ngư trường thưa cá, cuộc sống gia đình anh cũng trở nên chật vật vì những chuyến biển về chỉ đủ trả tiền dầu, máy. Thấy có một vài người trong làng bắt đầu làm nghề trủ đá, anh tìm tới học hỏi rồi làm theo. Ba năm qua, thu nhập từ nghề này đã giúp cuộc sống gia đình anh ngày càng ổn định, lại còn tích lũy thêm từ 400 đến 500 triệu đồng. "Hiện, ở làng biển Hòn Rớ có đến gần 200 hộ đang làm theo nghề này. Không ít người từ khó nghèo đã "ăn nên làm ra" từ nghề bắt tôm hùm bằng trủ đá như tui" - Anh Thuấn khẳng định.
Mành trủ đá săn tôm
"Mùa sinh sản của tôm hùm là tháng 4 - 5 hằng năm, tôm hùm mẹ thường bơi vào bờ, đến gần các rạn san hô để đẻ trứng. Một con tôm hùm mẹ mỗi lần đẻ hàng vạn trứng. Trứng tôm hùm theo nước bám vào rạn san hô. Tôm con vừa nở ra thường sống bám trong rạn đá. Qua một thời gian sinh trưởng ở biển, tôm hùm con đã có thể đưa về nuôi thịt. Tuy nhiên, muốn bắt được tôm hùm con nằm trong hang đá tự nhiên là không dễ" - Lão ngư Ngọt tỉ mỉ giải thích khi nói về nguyên lý "dụ" tôm hùm bằng trủ đá.
Cột xong những hòn san hô cuối cùng của một tấm mành, anh Trần Văn Thuấn cầm một mẫu đá, chỉ vào từng lỗ nhỏ, giới thiệu với chúng tôi: "Đây là những "ngôi nhà" nhân tạo cho tôm con vào trú ẩn". Mẫu đá anh Thuấn đưa có hình trụ, to bằng bắp chân, chiều cao độ 20 phân. Trên mỗi hòn đá có chừng 10 lỗ khoan, rộng bằng ngón tay. Anh Thuấn cho biết, một giàn mành dài chừng 100 sải (khoảng 180 mét), cột chừng 150 hòn đá, thêm một số bao cát và các bè phao định vị tấm lưới. Khi thả mành, đá sà xuống thấp, còn lưới nổi lưng chừng trên mặt nước. Tôm hùm con bơi đi kiếm ăn, gặp những "ngôi nhà" nhân tạo này sẽ chui vào trú ngụ, những con bơi lơ lửng trong nước thì bám vào lưới.
Vào mùa động, ngư dân thả lần lượt các tấm mành xuống biển. Hôm trước thả mành, bữa sau ra kiểm tra đá. Hễ thấy hai sợi râu dài trong lỗ đá thò ra là kéo mành lên bắt tôm, thả mành khác xuống. Lão ngư Trần Ngọt so sánh: "Ngày trước, bắt được tôm hùm con không phải dễ. Với người thật giỏi nghề, một đêm ra biển lặn tới sáng về, được chừng 10 con là mừng quýnh. Bây giờ, đặt trủ đá dưới đáy biển "dụ" tôm, cũng tùy theo người có nhiều mành hay ít mành, nhưng để kiếm khoảng 10 hay 20 con là thường tình. Một người có chừng 20 tấm mành, tức khoảng 3.000 viên đá, nhằm bữa gặp may, kéo mành lên, bắt được cả trăm con tôm".
Ở Hòn Rớ, ngư dân làm nghề này, đa phần có khoảng 10 giàn mành trở lên, chi phí cho một mành khoảng 2,5 đến 3 triệu đồng. Tôm hùm con hiện bán cho người nuôi thịt với giá 270 ngàn đồng một con tôm hùm sao và 80 ngàn một con tôm hùm xanh. "Chỉ cần một bữa ra kéo lưới bắt được 15 đến 20 con, những người nuôi tôm Hòn Rớ đã kiếm được vài ba triệu. Với phương cách này, người làm trủ đá hạng trung bình vẫn có thu nhập trên 200 triệu một mùa tôm" - Anh Thuấn khẳng định.
Cùng bám biển làm giàu
Ngư dân Trần Văn Thuấn tự tin thổ lộ: "Bây giờ làm biển nếu cứ chậm chạp, thụ động thì khó làm giàu. Tự đầu óc mình phải sáng ý, lấy từ kinh nghiệm rồi vận dụng, học hỏi nhiều nơi để nghĩ được cách làm phù hợp. Chẳng hạn, ngày mới làm nghề này, bọn tui làm xong mành rồi chờ mùa động đem thả xuống biển. Suốt tháng trời ra kiểm tra, không thấy có con tôm nào vào hang. Sau ngẫm mới hiểu, do đá san hô còn mới, mùi lạ nên con tôm bỏ đi, không chui vào. Vậy là về sau, có giàn trủ mới, chúng tôi đem thả xuống biển ngâm trước mùa tôm đẻ cả tháng. Đá san hô ngấm nước biển, có mùi của rong rêu biển thì con tôm mới chui vào trú ẩn".
Để làm giàu từ biển, ngư dân Hòn Rớ không chỉ linh hoạt, nhạy bén trong việc tìm kiếm phương cách để thích ứng với cuộc mưu sinh, mà còn có tinh thần cộng đồng, sẻ chia, hết lòng hỗ trợ, giúp đỡ nhau cùng bám biển. "Trên ngư trường, ai cũng mong thả lưới xuống vùng dễ có luồng tôm chạy, nhưng ở đây, mọi người cộng đồng làm ăn, nhường nhịn nhau chứ không có chuyện tranh giành ngư trường" - Bà Nguyễn Thị Linh, Trưởng thôn Hòn Rớ khẳng định.