Từ sáng sớm những ngày đầu năm 2022, dọc bờ biển xã Tam Tiến (huyện Núi Thành, Quảng Nam), nhiều ngư dân đã ngâm mình trong sóng để khai thác ốc ruốc. Ốc ruốc hay còn gọi là ốc gạo, ốc lễ… Loại ốc này được người dân ở đây ví như một món quà quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho ngư dân ở các vùng ven biển ở Quảng Nam. Loài ốc này chỉ to bằng chiếc khuy áo nhưng là thức ăn cho nhiều loại thủy sản và cũng là món ăn dân dã được nhiều người ưa chuộng. Vì nguồn lợi kinh tế khá cao nên nhiều năm trở lại đây, cào ốc ruốc được xem là công việc thời vụ của nhiều ngư dân thuộc các vùng bãi ngang ở Quảng Nam.
Hàng ngày, vào khoảng 2h sáng, ông Trần Duy Linh (43 tuổi, trú xã Tam Tiến, huyện Núi Thành) cùng với các ngư dân địa phương mang theo dụng cụ gồm một cây cào, thùng nhựa… ra bờ biển nước ngập ngang lưng để cào bắt ốc ruốc. Ông Linh cho hay, loại ốc ruốc này chỉ có theo mùa, từ tháng 12 âm lịch cho đến gần tháng 5 năm sau. Công việc phụ thuộc vào thủy triều, mỗi tháng làm khoảng 15-20 ngày khi nước rút. "Lúc nào thủy triều xuống là thuận lợi cho việc cào ốc ruốc, khi thủy triều lên là chúng tôi về. Những ngày tháng giêng thì phải đi từ 1h sáng, nhưng mới đầu mùa nên đi trễ hơn", ông Linh chia sẻ.
Dụng cụ để săn ốc ruốc rất đơn giản, ngư dân chế tạo một cây sào dài làm bằng tre cứng, một đầu sào gắn lưỡi cào bằng kim loại và mảnh lưới nhỏ.
Anh Nguyễn Hữu Nhật (28 tuổi, trú thôn Hà Lộc, xã Tam Tiến) làm nghề đánh bắt hải sản trên biển bằng lưới vây. Nhưng đến mùa biển động, tàu nằm bờ anh thường đi cào ốc với người thân để kiếm thêm thu nhập. Mỗi ngày anh cào từ 3-10h. Ngày ít thì anh cũng kiếm được khoảng 300 nghìn đồng, lúc cào nhiều thì thu về gần 1 triệu đồng. "Ốc được bán với giá 45 nghìn đồng một xô (khoảng 30 ký). Toàn bộ ốc sẽ được bán cho đầu mối, hôm nay tôi cào được 10 bao, thu về được 450 nghìn đồng. Một mùa nếu may mắn có thể thu về hàng chục triệu là chuyện thường", anh Nhật cho hay.
Mang thành quả lao động với túi lưới đựng hơn 10 kg vào bờ, bà Huỳnh Thị Sự (SN 1972, trú xã Tam Tiến, huyện Núi Thành) vui mừng nói: "Dù hôm nay không trúng ốc lắm, nhưng cũng cào được 5 xô thu được 250.000 đồng. Thu nhập vậy cũng là cao với tôi rồi. Làm nghề này luôn ngâm mình trong nước biển nên phải có sức khỏe tốt và kiên nhẫn thì mới thu được nhiều. Năm nay, dù đã 50 tuổi, nhưng tôi vẫn còn đi cào để tạo niềm vui cho mình và giữ tình yêu với biển", bà Sự tâm sự.
Để kéo được ốc, ngư dân phải buộc một cái đai vào lưng, một đầu nối với cào, cứ vậy họ đi thụt lùi rồi cào xuống lớp cát, toàn bộ ốc sẽ lọt vào lưới. Đai lưng này giúp cho người cào không bị trôi và phát huy hết lực để kéo.
Mặc dù đánh bắt gần bờ, tuy nhiên, người cào ốc luôn phải đối diện với nhiều nguy hiểm. Người cào luôn phải lội ra chỗ nước ngập đến ngang người, nếu gặp vùng nước xoáy, sâu, sóng lớn thì sẽ bị cuốn trôi. Anh Huỳnh Tấn Cư (41 tuổi, trú xã Tam Tiến huyện Núi Thành) vẫn còn nhớ như in chuyện buồn của gia đình, khi chị gái anh là Huỳnh Thị T. đã bị cuốn trôi vào dòng nước dữ trong lúc đang cào ốc mưu sinh.
Ốc vớt lên bờ được người dân rửa sạch cát, sau đó được đóng bao (1 bao 2 xô) để bán cho thương lái.
"Nom gần bờ vậy chứ nghề này nguy hiểm lắm, không cẩn thận là có thể bị sóng nhấn chìm và đánh đổi cả mạng sống của mình như chơi. Câu chuyện của gia đình tôi là một minh chứng thực tế nhất", anh Cư nói.Với người dân ở đây, khi cào gặp vùng có nhiều ốc thì sẽ gọi người khác đến, không cào một mình. Cách làm này khiến ai cũng có ốc, vừa hỗ trợ nhau những lúc gặp nạn.
Đối với thương lái, vì đầu mùa nên ốc ruốc thường nhỏ vì thế chủ yếu được tiêu thụ làm thức ăn thủy sản nên giá không được cao như cuối mùa. Một tiểu thương mua ốc ruốc tại xã Tam Tiến cho biết, từ 4h sáng, bà đã bắt đầu đi thu mua ốc ruốc. Nhiều lúc gặp "ổ" phải đợi đến trưa mới thu mua hết số ốc mà ngư dân bắt. Trung bình, mỗi ngày bà thu mua hơn 100 xô ốc, thị trường tiêu thụ tại địa phương và xuất bán các tỉnh lân cận, thu nhập cũng tạm được.