Nhiều chủ tàu đánh bắt xa bờ ở các địa phương ven biển của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu liên tục kêu trời vì chưa năm nào lại khó khăn như năm 2019. Giá sản phẩm sau đánh bắt không tăng nhưng tất cả chi phí đều tăng khiến nhiều tàu cá nằm bờ vì thua lỗ. Thêm vào đó, tình hình thiếu lao động đi biển ngày càng trầm trọng khiến chủ tàu đứng ngồi không yên.
Để khắc phục tình trạng thiếu lao động đi biển, chủ tàu tính đến chuyện lại chia tỷ lệ phần trăm theo hướng có lợi hơn cho người lao động trên tàu nhưng tình hình cũng không mấy khả quan.
Theo ông Nguyễn Thuận, chủ tàu cá ở xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, nếu chủ có tiền thì cầm cự được, còn chủ đi vay để hành nghề thì bán tàu là điều khó tránh khỏi.
"Nếu chủ mà tiền vay - bạc hỏi bây giờ chịu hết nổi cũng phải mượn đưa cho bạn thuyền để có người đi. Rồi đi mà không có ăn, bạn thuyền quỵt nợ từ từ cũng phải bán tàu trả nợ, đa số ở đây nhiều lắm" - ông Thuận nói.
Khan hiếm lao động đi biển nhiều chủ tàu thêm chồng chất khó khăn.
Tương tự như ông Thuận, ông Huỳnh Công Hải, chủ cặp tàu cá hành nghề lưới kéo ở thành phố Vũng Tàu cho biết, lao động đi biển thì rất khó tìm, nếu muốn đủ lao động cho chuyến biển thì phải nằm chờ vài ngày để tìm người. Rồi khi kiếm đủ người, thậm chí ứng trước tiền công nhưng đến ngày xuất bến nhiều chủ tàu không liên lạc được với lao động là vừa không có người vừa mất tiền.
"Bây giờ ngư dân chúng tôi khó khăn lắm, chúng tôi phải gom góp bao nhiêu ngày nằm bờ để tìm đủ người để đi. Khi cho mượn tiền xong chưa chắc ăn nữa, tàu chạy ra khỏi cửa biển thì lao động nhảy xuống biển lúc nào cũng không biết. Đi làm ăn giờ bà con chúng tôi khó khăn lắm, nhất là trong vấn đề lao động" - ông Hải chia sẻ.
Ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, ngoài thiếu hụt lao động, chi phí đầu vào tăng cao thì tình trạng sản lượng khai thác thấp cũng khiến nhiều chủ tàu không kham nổi, buộc phải nằm bờ.
“Nhiều tàu nằm bờ cũng do chi phí xăng, dầu tăng cao, người dân rất hoang mang khi ra khơi đánh bắt. Khi đi sản xuất rất tốn kém cho chuyến biển, phải cân đong đo đếm, muốn ra khơi khai thác phải tính được việc kiếm lời, đi về không có lời thì tàu phải nằm bờ, chủ yếu là tàu hành nghề lưới kéo rất là nhiều" - ông Hoàng nói.
Tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu hiện có khoảng 5.900 phương tiện đánh bắt thủy sản, trong đó có khoảng 1.900 tàu lưới kéo dùng nhiều lao động với mỗi phương tiện cần từ 6-15 lao động. Năm 2020, tỉnh này sẽ giảm số lượng tàu hành nghề lưới kéo xuống còn 850 phương tiện, kéo theo nguồn nhân lực cho đội tàu này cũng giảm hơn 50%, từ hơn 16.000 lao động xuống còn 8.000 lao động. Số lao động này sẽ được chính quyền tạo điều kiện cho học nghề, chuyển đổi ngành nghề phù hợp.