Xuất khẩu tăng, giá tăng
Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu cho biết, những ngày gần đây, giá tôm sú cũng như tôm thẻ đều đang giữ mức ổn định cao. Cụ thể, tôm sú nguyên liệu loại 30 con/kg dao động từ 250.000 - 270.000 đồng/kg, tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg, giá dao động 95.000 đồng/kg, tôm thẻ cỡ 30 con/kg giá khoảng 170.000 đồng/kg, tôm cỡ 20 con/kg giá từ 250.000 đồng trở lên. Giá tôm nguyên liệu tăng (5%) là tin vui đối với người nuôi tôm; đồng thời, giúp bà con đẩy nhanh cải tạo thả nuôi vụ sản xuất mới.
Anh Nguyễn Thanh Mừng, ở xã Điền Hải, huyện Đông Hải, người có hơn 10 năm kinh nghiệm nuôi tôm cho biết, năm nay, dù thời tiết có những diễn biến bất lợi nhưng nhờ chủ động các khâu trong sản xuất nên tôm đạt về năng suất, nhất là đối với mô hình siêu thâm canh. Với 4 ao tôm gần đến thu hoạch, anh Mừng hy vọng vụ tôm này sẽ bội thu để đón một cái Tết sung túc.
Giá tôm nguyên liệu tăng là điều kiện để người nuôi tôm chuẩn bị cho vụ nuôi mới khi mà dịch bệnh trên vẫn tôm diễn biến phức tạp. Ông Lê Thanh Liêm, chủ cơ sở nuôi siêu thâm canh ở xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình cho biết, dù chi phí đầu vào có tăng, nhưng với việc giá tôm nguyên liệu đang giữ ở mức cao và ổn định cộng với việc tiết giảm tối đa chi phí sản xuất, giảm đánh thuốc, giảm chạy quạt, giảm nhân công… người nuôi tôm vẫn thu được lợi nhuận cao.
Nhận định về nguyên nhân giá tôm thẻ chân trắng cũng như tôm sú tăng trong thời gian gần đây, ông Nguyễn Hoàng Xuân - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bạc Liêu cho biết, thị trường xuất khẩu tôm nguyên liệu có nhiều khả quan, doanh nghiệp tăng cường thu mua tôm phục vụ các đơn hàng xuất khẩu chính là lý do tôm nguyên liệu liên tục tăng.
Trong khi đó, dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Trần Văn Minh - Giám đốc Công ty cổ phần Nha Trang Seafoods - F.89 tại phường Hộ Phòng, Thị xã Giá Rai cho biết, giá tôm tăng do thị trường xuất khẩu tôm khởi sắc. Doanh nghiệp nhận định, trong thời gian cuối năm 2022, đầu năm 2023 giá tôm nguyên liệu sẽ tiếp tục giữ vững vì nhu cầu trên thị trường vẫn còn cao.
Người dân Bạc Liêu hứng khởi thu hoạch tôm cuối năm. Ảnh: doanhnghieptiepthi.vn
Ứng dụng khoa học công nghệ giảm rủi ro
Tỉnh Bạc Liêu hiện có 145.346 ha nuôi tôm gồm các mô hình nuôi như: siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh 27.320 ha; nuôi thủy sản trên đất tôm - lúa 41.541 ha; quảng canh cải tiến kết hợp 72.300 ha... sản lượng nuôi trồng 224.697 tấn. Tỉnh xác định phát triển nông nghiệp mà trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa gạo là một trong 5 trụ cột thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tỉnh đã quy hoạch xây dựng vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao diện tích 27.200 ha, vùng nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh 4.000 ha tại thành phố Bạc Liêu, huyện Hòa Bình và Đông Hải; vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh 8.000 ha tại thành phố Bạc Liêu, huyện Hòa Bình, Vĩnh Lợi và Đông Hải. Ngoài ra, còn có vùng nuôi luân canh tôm sú - lúa 8.000 ha tại huyện Phước Long, Hồng Dân, thị xã Giá Rai; vùng nuôi tôm sinh thái kết hợp trồng rừng ổn định với diện tích 4.700 ha tại các huyện Hòa Bình và Đông Hải.
Để giúp người dân đạt hiệu quả cao và bền vững trong nuôi tôm; hạn chế rủi ro, tổn thất, Chi cục Thủy sản tỉnh Bạc Liêu khuyến cáo các hộ nuôi tôm nên chuyển từ nuôi truyền thống sang nuôi theo hướng công nghệ cao, nuôi 2 giai đoạn, 3 giai đoạn; cùng với đó, đầu tư tuần hoàn nước khép kín và các trang thiết bị đo kiểm môi trường nước để kiểm soát chặt chẽ môi trường nuôi.
Ông Hồ Thanh Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đông Hải, địa phương có diện tích nuôi tôm lớn nhất của tỉnh Bạc Liêu cho biết, huyện đang khuyến cáo người nuôi về mật độ thả; cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp nắm địa bàn, hướng dẫn, hỗ trợ bà con trong quá trình nuôi...
Ngành nông nghiệp cũng tăng cường hướng dẫn người nuôi tôm cần tuân thủ đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn như: thả nuôi với mật độ vừa phải, không quá dày. Trong quá trình nuôi, đòi hỏi phải có kỹ thuật chăm sóc, khi nhiệt độ xuống thấp, cần giảm thức ăn cả về số lượng lẫn số lần cho ăn; chú ý giữ ổn định môi trường nước, nếu chỉ số các yếu tố môi trường nằm ngoài ngưỡng thích hợp phải có biện pháp xử lý ngay. Khi có hiện tượng mưa lớn xảy ra, cần thực hiện các giải pháp như: cân bằng độ pH trong ao, rải vôi xung quanh khu vực ao, tăng cường chạy quạt nước… tránh nước phân tầng gây thiếu ô xy cục bộ cho tôm nuôi.
Chi cục Thủy sản cũng đang phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y thủy sản của các cơ sở sản xuất giống, sản xuất thức ăn thủy sản trên địa bàn; kiểm soát chặt chẽ chất lượng giống thủy sản, thức ăn, thuốc thú y thủy sản, chế phẩm sinh học, các yếu tố đầu vào khác trong nuôi trồng thủy sản và kiểm soát chặt chẽ chất lượng thủy sản nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu; thực hiện thanh, kiểm tra đối với các cơ sở, hộ nuôi thủy sản về thực hiện các quy định trong nuôi trồng thủy sản và bảo vệ môi trường.