Theo Chi cục Thủy sản Bình Định, tính đến nay đã có gần 2.900ha mặt nước được đưa vào nuôi trồng thủy sản. Trong đó, nuôi nước ngọt 860ha, nuôi nước lợ hơn 2.014ha.
Để chủ động bảo vệ thủy sản trong điều kiện nắng nóng cao độ, các hộ nuôi cá nước ngọt đã chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho cá.
Ông Huỳnh Tấn Dương ở thôn Định Nhất, xã Vĩnh Hảo (huyện Vĩnh Thạnh) nuôi cá lồng trên hồ Định Bình chia sẻ: “Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, tôi thường xuyên vệ sinh lồng nuôi sạch sẽ để tạo sự thông thoáng nhằm lưu thông dòng chảy trong và ngoài lồng. Làm như vậy chất lượng nước sẽ được cải thiện. Đồng thời tôi san thưa mật độ cá trong mỗi lồng để tránh hiện tượng thiếu oxy cục bộ để ngăn ngừa dịch bệnh”.
Tương tự, người nuôi trồng thủy sản trên biển cũng triển khai các biện pháp bảo vệ thủy sản, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thời tiết nắng nóng gây ra.
Ông Nguyễn Văn Thành nuôi cá ở khu vực Hải Minh, phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn) cho biết: “Thời tiết nắng nóng làm nguồn nước trong vùng nuôi vẩn đục, lượng bùn dưới đáy biển xuất hiện nhiều, nên cá nuôi thường bị bệnh đen mang do bùn bám vào. Để chủ động phòng ngừa dịch bệnh, tôi thường xuyên tắm cá bằng nước ngọt nhằm vệ sinh cá tránh bùn bám vào, đồng thời điều chỉnh mật độ nuôi trong các lồng cho phù hợp với điều kiện thời tiết”.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Bình Định, nắng nóng sẽ gây biến đổi bất thường về nhiệt độ, độ ẩm, xuất hiện nhiều mầm bệnh về môi trường vùng nuôi. Trong điều kiện thời tiết bất lợi như thế này, tôm nuôi nước lợ thường bị bệnh đốm trắng, thân trắng.
Bà Lan khuyến cáo: “Người nuôi cần thường xuyên giữ mực nước từ 1,2m trở lên trong hồ để giữ nhiệt độ ổn định, tăng cường đảo nước để giữ màu nước trong ao nuôi, xử lý môi trường trong ao nuôi bằng vôi bột hoặc Chlorine. Người nuôi cá nước ngọt, nuôi thủy sản trên biển, khi thủy sản đủ trọng lượng thì nên xuất bán không nên chờ giá; đồng thời cần thường xuyên vệ sinh lồng nuôi, khi phát hiện con giống bị dịch bệnh phải cách ly để tránh lây lan trên diện rộng”.
Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, người nuôi biển điều chỉnh mật độ nuôi trong các lồng cho phù hợp.
Tại Trạm thực nghiệm nuôi trồng thủy sản tại Cát Tiến thuộc Trung tâm Giống Nông nghiệp Bình Định, nhiều biện pháp cũng được triển khai để bảo vệ đàn giống thủy sản. “Chúng tôi thường xuyên theo dõi các chỉ số môi trường nước tại các bể nuôi ương con giống, lắp đặt hệ thống phun sương hoạt động liên tục trong các khu SX để đảm bảo điều hòa, ổn định nhiệt độ cho con giống phát triển”, ông Ðoàn Văn Quyền, Phó Trạm cho hay.
Đáng quan ngại nhất là nguồn nước tại Trạm Giống thủy sản Mỹ Châu nằm trên địa bàn huyện Phù Mỹ đã cạn kiệt. Nguồn nước tại 4 hồ chứa phục vụ cho trạm giống bị cạn, đã làm cho 7 tấn cá bố mẹ, 112 con cá Koi Nhật Bản và 5.095 con cá Koi F1 bị thiếu nước.
Trước tình trạng này, theo ông Phan Thanh Việt, Phó Giám đốc Trung tâm Giống Nông nghiệp Bình Định, hiện đơn vị đã tạm dừng SX giống thủy sản nước mặn và nước lợ. Ðể bảo vệ lượng giống thủy sản nước ngọt đang SX tại Trạm nuôi cá Koi và Trạm thực nghiệm nuôi trồng thủy sản Mỹ Châu, đơn vị này đang tập trung tăng cường sử dụng men vi sinh để giữ chất lượng nước đồng thời tiết kiệm nước, bảo vệ môi trường ao nuôi.
“Hiện mực nước tại các hồ chứa Hóc Lách, Ðồng Ðèo 1, Ðồng Ðèo 2 đã khô cạn, chỉ còn hồ Hóc Hòm cung cấp nước cho hoạt động SX cá giống nước ngọt tại xã Mỹ Châu. Do vậy, chúng tôi đang tạm dừng SX con giống, tập trung bảo vệ đàn cá bố mẹ, tiêu thụ lượng cá giống còn lại. Riêng cá Koi sẽ chuyển vào nhà trú nắng có hệ thống vận hành tuần hoàn khép kín để bảo vệ đàn cá”, ông Việt cho biết.
Theo Chi cục Thủy sản Bình Định, trước tình hình thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài, môi trường nước vùng nuôi biến động, đơn vị này đã tiến hành 2 đợt quan trắc môi trường kiểm tra các nhiệt độ, độ pH, độ mặn, độ kiềm, tảo trong nước; đồng thời hướng dẫn người nuôi thực hiện các biện pháp kỹ thuật, chủ động phòng chống dịch bệnh, chăm sóc, bảo vệ thủy sản nuôi, góp phần giảm thiểu thiệt hại do nắng nóng gây ra.